Đã có tấm lợp không chứa amiăng trắng tại Việt Nam chưa? Giá thành của sản phẩm thay thế là bao nhiêu?

Trên thực tế, đã có dây chuyền công nghệ sản xuất thử nghiệm tấm lợp không amiăng trắng. Tuy nhiên, kết quả kiểm định cho thấy vẫn có một tỷ lệ nhất định amiăng trắng trong tấm lợp và giá thành của tấm sợi (như tấm cốt sợi PVA) cao hơn 60% so với giá thành tấm sợi amiăng.

Amiăng có thể gây cháy nổ hay không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã phát biểu tại Tọa đàm VOV online, lúc 14:00 – 16:00, ngày 25/04/2015 rằng: “Có trường hợp amiăng trắng gây cháy nổ đã xảy ra ở Hà Nội”.

Amiăng trắng được cho phép sử dụng ở những quốc gia và vùng lãnh thổ nào?

Hiện nay có 57 quốc gia cấm sử dụng các loại sợi amiăng, trong khi đó 147 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng amiăng trắng và các sản phẩm chứa amiăng trắng, trong đó có các nước G8 gồm: Mỹ, Canada, Liên bang Nga và các nước: Mexico, Brazil, Ukraine, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam…

Amiăng trắng đang được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho những sản phẩm nào?

Hiện nay, có khoảng 3.000 sản phẩm tồn tại trong xã hội và sợi amiăng trắng được sử dụng trong việc sản xuất nguyên liệu trét mái, dệt may, nhựa, cao su, đệm cửa cho lò nung, các chất liệu dùng để trám chỗ hở tại nơi có nhiệt độ cao, giấy, các sản phẩm cho quân đội, an ninh quốc phòng và ngành công nghiệp hạt nhân…

Có cơ sở rõ ràng nào cho thấy “cứ 170 tấn amiăng được tiêu thụ sẽ có thêm 1 trường hợp mắc bệnh ung thư trung biểu mô”?

“Cứ 1 kg amiăng, thì nguy cơ ung trung biểu mô tăng 2,4 lần. Cứ mỗi 170 tấn amiăng được tiêu thụ, sẽ có thêm một trường hợp mắc bệnh ung thư trung biểu mô.” – Phát ngôn của TS. BS. Phạm Đức Phúc (Hội Y tế Công cộng Việt Nam) tại hội thảo Cơ sở khoa học bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tránh tác hại của amiăng trắng (23/12/2014) do EBHPD (thành viên VN-BAN), VIHEMA, Hội Y tế Công cộng Việt Nam (VPHA), Oxfam thông qua Chương trình Hỗ trợ Liên minh và WHO tổ chức.

Làng ung thư Lục Đầu Giang, Hải Dương có phải là hậu quả của một nhà máy tấm lợp amiăng?

Hiện nay chưa xác định được nguồn nào đã gây ra ung thư tại làng Lục Đầu Giang, Hải Dương. Phát biểu tại Hội thảo Cơ sở khoa học bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tránh tác hại của amiăng trắng ngày 23/12/2014 tại Hà Nội, Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) cho biết ở Hải Dương có 6 nguồn gây ô nhiễm chủ yếu.

Tài liệu IARC Monograph có thể làm căn cứ để cấm amiăng trắng được hay không?

Nếu căn cứ vào tài liệu IARC Monograph để cấm amiăng trắng thì chúng ta cũng nên cấm luôn thuốc tránh thai, rượu bia, bụi gỗ, ngành công nghiệp cao su, than đá, sản xuất than cốc, khai thác mỏ dưới lòng đất, sơn, ô nhiễm không khí ngoài trời, sản phẩm nhôm… vì chúng đều nằm trong nhóm 1 các chất gây ung thư của IARC.

Người dân sống dưới mái nhà lợp tấm lợp fibro amiăng trắng có nguy cơ mắc ung thư khi sử dụng nước hứng từ mái lợp để uống, sinh hoạt. Điều đó có đúng không?

Khả năng amiăng bị phát tán vào nước hứng từ mái lợp là khó có thể xảy ra vì amiăng trắng có cấu trúc rỗng, khi được trộn với xi măng, xi măng sẽ lấp đầy khoảng trống bên trong sợi và tạo nên kết cấu vững chắc giữa sợi với xi măng, amiăng rất khó có thể thoát ra khỏi cấu trúc này (trừ phi người ta khoan, đục). Và thực tế, các nghiên cứu khoa học đã chứng tỏ điều này.

Không có ngưỡng an toàn cho việc phơi nhiễm với sợi amiăng nên ở bất cứ mức phơi nhiễm nào, dù là rất thấp thì con người vẫn có thể mắc ung thư. Vì thế, cách thức hiệu quả nhất để loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng là ngừng sử dụng tất cả các loại amiăng. Điều này có đúng không?

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, không có sự gia tăng về rủi ro ung thư khi phơi nhiễm với amiăng trắng được khống chế ở mức 1 sợi/mL. Cụ thể như Mỹ quy định nồng độ bụi amiăng chrysotile là 0,1 sợi/cm3 không khí. Canada là 1,0 sợi/cm3, các nước EU là từ 0,15 sợi/cm3 đến 0,5 sợi/cm3, các nước trong khối ASEAN như Philippine là 2,0 sợi/cm3, Indonesia là 1,0 sợi/cm3, Thái Lan là 5,0 sợi/cm3, Việt Nam là 1,0 sợi/cm3.

Tại báo cáo số 903/BC – BYT của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28/08/2014 có nêu: “cách tốt nhất để phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng là ngừng sử dụng tất cả các loại amiăng”. Điều đó có hợp lý không?

Trong Chương trình nghị sự mục 12.13 – Kế hoạch hành động toàn cầu của WHA – về sức khoẻ người lao động đã khẳng định sẽ không cấm sử dụng sợi amiăng trắng.