Đã có tấm lợp không chứa amiăng trắng tại Việt Nam chưa? Giá thành của sản phẩm thay thế là bao nhiêu?

Trên thực tế, đã có dây chuyền công nghệ sản xuất thử nghiệm tấm lợp không amiăng trắng. Tuy nhiên, kết quả kiểm định cho thấy vẫn có một tỷ lệ nhất định amiăng trắng trong tấm lợp và giá thành của tấm sợi (như tấm cốt sợi PVA) cao hơn 60% so với giá thành tấm sợi amiăng.

Tại Việt Nam, nhà máy sản xuất tấm lợp thuộc Công ty Cổ phần SX & TM Tân Thuận Cường – Hải Dương đã được phía Nhật Bản tài trợ dây chuyền công nghệ sản xuất thử nghiệm tấm lợp không amiăng trắng. Tuy nhiên, ngày 15/10/2013, Cục Kiểm soát Ô nhiễm thuộc Tổng cục Môi trường –  Bộ Tài nguyên Môi trường đã có đợt kiểm tra và phát hiện công ty này vẫn sử dụng amiăng trắng trong quy trình sản xuất. Số biên bản là 01/BB – KSON.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Tấm lợp Đông Anh cũng đã từng nhập tấm lợp không chứa amiăng trắng, thương hiệu SHERA thuộc Mahaphant Group – Thái Lan về bán thử tại thị trường, song khi được kiểm định bởi Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng, thì phát hiện sản phẩm tấm lợp vẫn có chứa 4% sợi amiăng trắng (có văn bản kiểm định).

Báo cáo của Vụ Vật liệu Xây dựng tại “Hội nghị Báo cáo Kết quả nghiên cứu khoa học về tác động của amiăng trắng đến sức khỏe con người – Biện pháp quản lý phù hợp” cho thấy, giá thành của 1m2 sản phẩm không chứa amiăng, có cùng độ dày, do công ty Tân Thuận Cường sản xuất, với sản phẩm tấm lợp có chứa amiăng  trắng như sau:

  • Sản phẩm tấm lợp amiăng: 35.000đ/m2;
  • Sản phẩm tấm lợp PVA: 57.000đ/m2 (đã bao gồm VAT);

Như vậy, tỷ lệ chênh lệch về giá là 60%Trong khi đó, tấm lợp amiăng xi măng đáp ứng 62% nhu cầu tấm lợp hàng năm, tạo ra công việc cho hơn 5.000 người.

Không chỉ bền với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với giá thành thấp, tấm lợp amiang trắng còn là mặt hàng phù hợp cho người dân nghèo và người dân vùng thường xuyên gặp thiên tai. Các tấm lợp sử dụng sợi thay thế đắt hơn 60% có thể là một vấn đề với những người dân thu nhập thấp.

Tấm lợp AC được sử dụng rộng rãi ở các đô thị, khu công nghiệp, làng quê, vùng sâu vùng xa và miền núi (làm mái nhà, nhà xưởng, nhà kho, lán trại…). Tấm lợp AC góp phần hiệu quả vào các chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, trong đó có Chương trình 135, Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà cho người nghèo và các đối tượng khác. Ngoài ra, hiện nay tấm lợp fibro xi măng cũng góp phần xây dựng các nhà tạm để khắc phục nhanh chóng những hậu quả do thiên tai như lốc xoáy, bão lũ lụt hàng năm (nhà cho người dân vũng bão lũ miền Trung).