Tài liệu IARC Monograph có thể làm căn cứ để cấm amiăng trắng được hay không?

Nếu căn cứ vào tài liệu IARC Monograph để cấm amiăng trắng thì chúng ta cũng nên cấm luôn thuốc tránh thai, rượu bia, bụi gỗ, ngành công nghiệp cao su, than đá, sản xuất than cốc, khai thác mỏ dưới lòng đất, sơn, ô nhiễm không khí ngoài trời, sản phẩm nhôm… vì chúng đều nằm trong nhóm 1 các chất gây ung thư của IARC.

Ngoài ra, chuyên khảo 100C của IARC (Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế trực thuộc WHO) chỉ trả lời câu hỏi đơn giản: amiăng có thể gây được ung thư hay không, chứ nghiên cứu này không xét đến rủi ro gây ung thư của mỗi chất (Bernstein et al, 2006), tức là trong hoàn cảnh phơi nhiễm như thế nào thì chất được xếp loại vào nhóm 1 sẽ gây ung thư và rủi ro là bao nhiêu. Quả thực, Chuyên khảo cập nhật năm 2012 (sau khi có phản biện của Bernstein et al, 2006) của IARC đã công nhận điều đó và ghi rõ:

“Chất gây ung thư (cancer hazard) là chất có khả năng gây ung thư trong một số trường hợp, trong khi rủi ro gây ung thư (cancer risk) là ước tính về các tác động gây ung thư được dự báo sau khi phơi nhiễm/tiếp xúc với chất gây ung thư. Chuyên khảo này chỉ đánh giá liệu chất có gây ung thư hay không, mặc dù từ “rủi ro” xuất hiện trong tiêu đề của các Chuyên khảo xuất bản vào những năm trước. Việc phân biệt giữa chất gây ung thư và rủi ro gây ung thư là quan trọng, và Chuyên khảo xác định liệu một chất có thể gây ung thư hay không, kể cả khi rủi ro có thể rất thấp xét mức độ phơi nhiễm như hiện nay, bởi vì cách sử dụng mới với mức phơi nhiễm nằm ngoài dự đoán có thể gây ra những rủi ro cao hơn đáng kể”.

Do đó, không thể sử dụng Chuyên khảo 100C của IARC làm cơ sở để yêu cầu cấm sử dụng amiăng trắng vì việc cấm một chất cần phải dựa trên rủi ro bệnh tật trong các điều kiện sản xuất và sử dụng hiện hành. Xét rằng, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, khi duy nhất amiăng chrysotile được sử dụng trong điều kiện có kiểm soát, không có sự gia tăng về rủi ro bệnh tật liên quan đến amiăng (xem Luận điểm 2), hiện chưa có cơ sở để cấm chất này, đặc biệt khi chưa có kết nghiên cứu rõ ràng về mức độ an toàn của chất thay thế như nhiều quốc gia (Zimbabwe, Kyrgyzstan) đã phản ánh tại Kỳ họp thứ 7 của Công ước Rotterdam năm 2015. Do đó, việc cấm amiăng trắng khi không chứng minh được ảnh hưởng của sợi đến sức khoẻ con người là điều phi lý.