Hiện tại các nhà khoa học “chưa tìm ra ngưỡng an toàn cho rủi ro ung thư” khi phơi nhiễm với amiăng (Tham luận của Carolyn Vickers, WHO tại Hội thảo kỹ thuật về amiăng chrysotile, ngày 30-31 tháng 3 năm 2015 tại Geneva, Thuỵ Sỹ). Câu này sau đó bị hiểu lầm hoặc cố tình bị đánh tráo khái niệm là “không có ngưỡng phơi nhiễm an toàn”. Thực tế, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, không có sự gia tăng về rủi ro ung thư khi phơi nhiễm với amiăng trắng được khống chế ở mức 1 sợi/mL:
Nghiên cứu của nhà khoa học Weill, H., Hughes, J. and Waggenspack, C. (1979) – American Review of Respiratory Disease 120(2):345-354 điều tra trên 5.645 công nhân sản xuất amiăng xi măng cho thấy không có sự gia tăng về tỷ lệ tử vong khi phơi nhiễm amiăng chrysotile trong 20 năm ở mức độ tương đương hoặc thấp hơn 100 MPPCF.y (tương ứng với xấp xỉ 15 sợi/ml.năm).
(Weill, H., Hughes, J. and Waggenspack, C. (1979) Influence of dose and fibre type on respiratory malignancy risk in asbestos cement manufacturing. American Review of Respiratory Disease. 120(2):345-354)
Nghiên cứu trong 39 năm về tỷ lệ tử vong của công nhân bị phơi nhiễm với amiăng trắng ở Hy Lạp của L. Sichletidis D., Chloros D., Spyratos A.-B., Haidich I., Fourkiotou M., Kakoura D. and Patakas (2008) cho thấy không có trường hợp nào của u trung biểu mô được báo cáo. Tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân của dân số Hy Lạp. Nồng độ sợi được đo thường xuyên và luôn ở dưới mức cho phép. Thời điểm và nguyên nhân tử vong được ghi lại ở cả công nhân đã nghỉ hưu và đang làm việc. Kết luận của các tác giả: Phơi nhiễm nghề nghiệp với amiăng trắng nguyên chất ở trong mức độ cho phép không liên quan đến sự gia tăng đáng kể của ung thư phổi hay u trung biểu mô.
(Sichletidis L., Chloros D., Spyratos D., Haidich A.B., Fourkiotou I., Kakoura M., Patakas D. (2009) Mortality from occupational exposure to relatively pure chrysotile: a 39-year study. Respiration. 78(1):63-8.)
Các kết quả nghiên cứu của Thomas công bố năm 1982 (Vương Quốc Anh) khi nghiên cứu 1.970 công nhân của nhà máy chuyên sử dụng sợi chrysotile để sản xuất tấm lợp amiăng xi măng và các nghiên cứu của Mc Donal. J C Liddell (Canada) công bố trong các năm 1993 và 1997 khi nghiên cứu 11.000 công nhân làm việc ở nhà máy tuyển chrysotile ở mỏ Quebec Canada cho thấy tỷ lệ ung thư phổi ở nhóm công nhân này không có khác biệt so với nhóm người không tiếp xúc với chrysotile.
(Thomas H.F., Benjamin I.T., Elwood P.C. and Sweetnam P.M. (1982) Further follow-up study of workers from an asbestos cement factory. British Journal of Industrial Medicine 39(3):273-276.)
Nghiên cứu của Gardner, M.J., Winter, P.D., Pannett, B. and Powell, C.A. (1986) được công bố trong British Journam of Industrial Medicine: Nghiên cứu đoàn hệ được tiến hành trên 2.617 đối tượng trong khoảng năm 1941 và 1983. Không có tỷ lệ mắc ung thư phổi vượt mức bình thường hay các tỷ lệ tử vong vượt mức bình thường liên quan đến amiăng được tìm thấy, khi nồng hộ sợi dưới 1 sợi/ml, mặc dù ở một số nơi nhất định tại nhà máy nồng độ có thể cao hơn.
(Gardner MJ, Winter PD, Pannett B, Powell CA. Follow up study of workers manufacturing chrysotile asbestos cement products. Br J Ind Med. 1986;43:726–732.)
Nguyễn Xuân Triều (1999), nghiên cứu về ung thư trung biểu mô màng phổi đã sinh thiết màng phổi cho 203 bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi tại 4 bệnh viện, tìm thấy 15 trường hợp (7,5%) ung thư trung biểu mô. Không có trường hợp nào có tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng[6]. “Nghiên cứu bước đầu về U trung biểu mô màng phổi”. Tạp chí YHQS. Học Viện Quân Y.2/199.tr 12.
Năm 2002-2003, Bộ Tài nguyên Môi trường đã tuyển chọn, giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp triển khai đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng Môi trường các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng xi măng và những ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người – Kiến nghị các giải pháp”. Trong đó Trung tâm Y tế Xây dựng (nay là Bệnh viện Xây dựng) thực hiện nội dung: Nghiên cứu, đánh giá những ảnh hưởng của amiăng đến sức khoẻ con người. Trên cơ sở nghiên cứu tình hình sức khỏe trên 1.032 công nhân đang sản xuất và hưu trí trong đó có 14 công nhân hưu trí của 15 cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng xi măng đã kết luận: (a) Bệnh bụi phổi amiăng chỉ có 04 ca/1032 ca = 0.39% trong số công nhân các cơ sở trên, tỷ lệ này rất thấp so với bệnh bụi phổi silic và các bệnh nghề nghiệp khác như: bệnh bụi phổi silíc ở công nhân khai thác than là 11,62%, công nhân luyện kim đen là 9,7%, công nhân sản xuất xi măng là 11,87%. (b) Không thấy có trường hợp nào có các tổn thương lành tính khác liên quan đến amiăng như mảng dày màng phổi và canxi hoá màng phổi (3) Chưa phát hiện được trường hợp nào có các bệnh ác tính như ung thư phổi phế quản và ung thư trung biểu mô trong số công nhân đã khám (4) Hồi cứu hồ sơ lưu của các cơ sở từ trước đến nay chưa có ca nào phát hiện bệnh ung thu phổi ác tính (ung thư phổi, phế quản và mesothelioma) (5) Hồi cứu hồ sơ các trường hợp ung thư trung biểu mô đã chẩn đoán ở Hà Nội và TP HCM từ năm 1991 – 2001 cũng chưa đủ căn cứ kết luận có trường hợp nào liên quan đến sản xuất tấm lợp amiăng xi măng ở Việt Nam.
Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng Môi trường các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng xi măng và những ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người – Kiến nghị các giải pháp” Hội đồng Nghiệm thu cấp Nhà nước – Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Chương trình Khám bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động cho công nhân ngành sản xuất tấm lợp Amiăng xi măng (AC) được Bệnh viện Xây dựng – Bộ Xây dựng triển khai trong 7 năm qua (2008-2014). Đây là chương trình được tổ chức khoa học, bài bản, định kỳ hàng năm và khám cho tổng số 3.590 công nhân các nhà máy tấm lợp AC (những người lao động trực tiếp tiếp xúc với amiăng trắng trong sản xuất). Kết quả hội chẩn 6 năm liên tiếp được công bố bởi Hội đồng đọc phim uy tín cho thấy: Không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiăng chrysotile.
Cục quản lý Môi trường Y tế – Bộ Y tế đã tiến hành triển khai trong 3 năm 2009 – 2011 đề tài nghiên cứu cấp bộ “Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiăng ở những người tiếp xúc”. Đây là một hoạt động thuộc Dự án “Bảo vệ sức khỏe người lao động giai đoạn 2009-2011” do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tài trợ thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 525/TTg-QHQT ngày 08/4/2009 và Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 2219/QĐ-BYT ngày 19/6/2009. Nghiên cứu này được thông qua Hội đồng Y đức của Bộ Y tế. Kết quả phỏng vấn tìm tiền sử nghề nghiệp liên quan đến amiăng ở 447 trường hợp (trong 3 năm từ 2009 – 2011 và đây là các trường hợp bệnh liên quan đến amiăng bao gồm ung thư phổi, mảng dày màng phổi và ung thư trung biểu mô) vào nhập viện tại 06 bệnh viện lớn tham gia nghiên cứu cho thấy có 46 trường hợp được chẩn đoán ung thư trung biểu mô màng phổi (Mesothelioma màng phổi). 39 mẫu bệnh phẩm đối tượng được chẩn đoán ung thư trung biểu mô sau đó được lựa chọn gửi sang Bệnh viện Hiroshima, Nhật Bản đã được chuyên gia Nhật Bản xác định chẩn đoán là 08 trường hợp trong đó không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng.
(Cục quản lý Môi trường Y tế. (2011) Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiăng ở những người tiếp xúc, 2010 – 2011. Bộ Y tế)
Hồ sơ Quốc gia về amiăng từ 2009 đến 2012 được xây dựng bởi Bộ Y Tế và Viện Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ lao động – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đã kết luận: Trong số các phim chụp X quang và CT scanner cho NLĐ tiếp xúc với amiăng từ năm 2004 đến nay, chưa phát hiện được các bệnh liên quan đến amiăng.
(Bộ Y Tế, Viện Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (2012) Hồ sơ Quốc gia về amiăng 2009 – 2012.)
Phần lớn các nước có sử dụng amiăng chrysotile đều có quy định nồng độ bụi cho phép. Cụ thể như Mỹ quy định nồng độ bụi amiăng chrysotile là 0,1 sợi/cm3 không khí. Canada là 1,0 sợi/cm3. Các nước EU là từ 0,15 sợi/cm3 đến 0,5 sợi/cm3. Các nước trong khối ASEAN như Philippine là 2,0 sợi/cm3. Indonesia là 1,0 sợi/cm3. Thái Lan là 5,0 sợi/cm3. Việt Nam là 1,0 sợi/cm3.
Mức ngưỡng tối đa tiếp xúc được quy định tại Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT là trung bình 0,1 sợi/cm3 trong 8 giờ, và trung bình 0,5 sợi/cm3 trong 1 giờ. Mức quy định này ngang với các nước như Mỹ, Anh và Australia.