Trong nền kinh tế thị trường, các sản phẩm tấm lợp không ngừng phát triển về quy mô, số lượng, chất lượng, chủng loại, mẫu mã, và phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển. Muốn chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này, không còn cách nào khác là các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao đổi mới cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạ giá thành sản phẩm, hợp tác và cùng nhau thống nhất bình ổn thị trường, giá cả hợp lý để đảm bảo quyền lợi người sản xuất và tiêu dùng. Bên cạnh đó, sản phẩm tấm lợp chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các vật liệu tấm lợp kim loại, ngói đất nung, nhà bê tông, tranh tre nứa lá, tấm lợp fibro xi măng.
Dư luận trong và ngoài nước đã đặt vấn đề xem xét ảnh hưởng của Amiăng đến sức khỏe con người nên tác động không nhỏ đến một số người làm công tác quản lý và tiêu dùng suy nghĩ không đúng về Amiăng chrysotile và các sản phẩm có chứa Amiăng chrysotile.
Để giải quyết những vấn đề bức xúc trên, đồng thời cần có một định hướng đúng đắn cho ngành tấm lợp Việt Nam cần phải có một tổ chức Hiệp hội để duy trì và phát triển ngành. Xuất phát từ tình hình đó, đồng thời được sự đồng ý của Chính phủ và các ban ngành chức năng, ngày 1/7/2000 Hiệp hội tấm lợp Việt Nam đã ra đời.
Ngày 1/7/2000, Đại hội thành lập Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam đã bầu Ban chấp hành, Ban kiểm soát và 6 ban chuyên môn của Hiệp hội và đã thông qua điều lệ và phương hướng hoạt động.
Hiệp hội bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền các cấp, đốc thúc doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định kinh doanh có điều kiện của pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo, các hội thảo, hội nghị chuyên đề, thu thập và cung cấp thông tin về những vấn đề có tác động đến ngành tấm lợp tới toàn thể hội viên.
ĐIỀU LỆ HIỆP HỘI TẤM LỢP VIỆT NAM
CHƯƠNG I: TÊN GỌI, MỤC ĐÍCH, TÔN CHỈ
Điều 1:
Tên gọi của hiệp hội: HIỆP HỘI TẤM LỢP VIỆT NAM
Tên giao dịch tiếng Anh: VIETNAM NATIONAL ROOFSHEET ASSOCIATION
Viết tắt: VNRA
Điều 2:
Hiệp hội tấm lợp Việt Nam là một tổ chức nghề nghiệp được thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các nhà quản lý, các chuyên viên kỹ thuật, các tổ chức và cá nhân trong cả nước có liên quan đến ngành tấm lợp để cùng nhau góp sức phấn đấu cho hoạt động phát triển của ngành.
Điều 3:
Hiệp hội tấp lợp Việt Nam hoạt động tuân theo các quy định của pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và theo điều lệ của Hiệp hội. Hiệp hội được sự bảo trợ giúp đỡ của Bộ Xây dựng, là cơ quan quản lý Nhà nước về ngành vật liệu xây dựng.
Điều 4:
Hiệp hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản tại ngân hàng. Trụ sở hiệp hội đóng tại thủ đô Hà Nội. Văn phòng đại diện của Hiệp hội tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và ở nước ngoài khi xét thấy cần thiết và theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG II: HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI
Điều 5:
Các hội viên của hiệp hội phối hợp tổ chức các buổi hội thảo nhằm mục đích sau:
Thảo luận, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về các lĩnh vực như:
- Chất lượng sản phẩm.
- Các giải pháp trong công nghệ.
- Các biện pháp xử lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
- Các vấn đề liên quan đến giá cả nguyên liệu, thành phẩm.
- Các kinh nghiệm chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho công nhân sản xuất.
Đóng góp ý kiến đối với các chính sách, quy định của nhà nước có liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh tấm lợp như chính sách xuất nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng, máy móc thiết bị, quy định về môi trường và các dự án đầu tư phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
Thông qua hội thảo, các hội viên sẽ đi đến một thỏa hiệp hay kiến nghị với nhà nước về các vấn đề trên sao cho có thể bảo vệ quyền lợi cho các hội viêc và tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của các hội viên doanh nghiệp.
Điều 6:
Hiệp hội phối hợp với các cơ quan khoa học kỹ thuật, viện nghiên cứu, các cơ quan môi trường trong nước hay các tổ chức nước ngoài có liên quan để tổ chức các buổi hội thảo khoa học hay các chuyến tham quan, khảo sát thực tế nhằm mục đích:
- Trao đổi, tiếp nhận thông tin khoa học kỹ thuật và những ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới trong sản xuất, bảo vệ môi trường.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Tìm ra biện pháp tối ưu sử dụng vật liệu mới trong sản xuất tấm lợp phù hợp với các quy định của nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe công nhân và người tiêu dùng.
Điều 7:
Hiệp hội hỗ trợ các hội viên trong công tác đào tạo, thực tập trong và ngoaòi nước góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết về các vấn đề có liên quan.
Điều 8:
Hòa giải tranh chấp giữa các hội viên. Luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên khi có những tranh chấp trong quá trình thực hiện các hợp đồng sản xuất thương mại, dịch vụ.
Điều 9:
Xuất bản tạp chí, sách báo cần thiết phục vụ cho các mục tiêu của Hiệp hội khi được phép.
CHƯƠNG III: QUY ĐỊNH VỀ HỘI VIÊN
Điều 10:
Hội viên chính thức của Hiệp hội bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến ngành tấm lợp trong cả nước.
Hội viên tư vấn của Hiệp hội là những người nhiệt tình, có kinh nghiệm, uy tín trong ngành như: các nhà quản lý, các chuyên viên kỹ thuật … có khả năng tham gia đóng góp vào mục đích hoạt động của Hiệp hội.
Hội viên liên kết của Hiệp hội bao gồm những thể nhân hay pháp nhân là những doanh nghiệp trong và ngoài nước có mối quan hệ liên doanh liên kết giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất kinh doanh để đạt hiệu quả kinh tế cao và trình độ công nghệ tiên tiến hiện đại.
Các hội viên tham gia Hiệp hội theo nguyên tắc bình đẳng và tự nguyện.
Điều 11:
Các cá nhân hay tổ chức pháp nhân được nêu trong điều 10 nếu có đơn xin gia nhập Hiệp hội thì được Ban chấp hành Hiệp hội xét duyệt chấp thuận là hội viên.
Điều 12:
Mỗi pháp nhân tham gia Hiệp hội nếu là tổ chức (hội viên của Hiệp hội) thì người đại diện cho một hội viên phải là người có thẩm quyền quyết định của đơn vị hội viên. Trường hợp ủy quyền làm đại diện, người ủy quyền phải có đủ thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm về sự đại diện đó.
Hội viên phải thông báo bằng văn bản cho Hiệp hội khi có sự thay đổi người đại diện của mình.
Điều 13:
Trường hợp hội viên muốn xin ra khỏi Hiệp hội thì phải gửi đơn cho Ban chấp hành Hiệp hội trước 3 tháng và phải đóng hội phí trong thời gian đó.
Điều 14: Nghĩa vụ của Hội viên
1. Tuân theo điều lệ Hiệp hội.
2. Thực hiện các nghị quyết, quyết định được thông qua tại Đại hội hay Ban chấp hành Hiệp hội.
3. Thực hiện những công việc được Hiệp hội phân công.
4. Cung cấp thông tin, báo cáo kịp thời phục vụ cho các hoạt động của Hiệp hội.
5. Tích cực tham gia các hoạt động phối hợp giữa các hội viên trong Hiệp hội, đề xuất các ý kiến đóng góp đối với các hoạt động của Hiệp hội về những vấn đề trước mắt và lâu dài nhằm thúc đẩy hoạt động của Hiệp hội đạt hiệu quả cao.
6. Đóng góp đầy đủ lệ phí gia nhập hội và hội phí hàng năm theo quy định.
7. Đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên khác, các tổ chức chuyên môn của Hiệp hội. Nâng cao uy tín, xây dựng Hiệp hội ngày càng vững mạnh.
8. Giữ gìn uy tín, tư cách, phẩm chất nghề nghiệp. bảo vệ lợi ích chung của ngành. Không làm tổn hại đến lợi ích của các hội viên khác trong Hiệp hội và cũng không làm tổn thất lợi ích của người tiêu dùng.
Điều 15: Quyền lợi của Hội viên
1. Được tham gia các đại hội và thảo luận, biểu quyết các công việc của Hiệp hội.
2. Được ứng cử và đề cử vào các chức vụ lãnh đạo của Hiệp hội.
3. Được tham gia vào những ban chuyên môn và tổ chức của Hiệp hội trong và ngoài nước, thông qua đó thực hiện những chương trình kế hoạch hoạt động của Hiệp hội.
4. Được tiếp nhận và áp dụng thông tin, giải pháp kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới do Hiệp hội cung cấp và được hỗ trợ các giải pháp tư vấn của Hiệp hội trong việc đầu tư công nghệ mới, trong liên doanh với nước ngoài khi các hội viên yêu cầu.
5. Được quyền tham gia các đoàn đi tham quan trong và ngoài nước để nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tìm tòi giải pháp công nghệ sản xuất mới, xử lý môi trường … do Hiệp hội tổ chức.
6. Được uỷ quyền sử dụng trụ sở và những phương tiện của Hiệp hội để giao dịch với các tổ chức trong và ngoài nước về những công việc có liên quan đến hoạt động hợp pháp của đơn vị.
7. Được nhận và sử dụng những thông tin, ấn phẩm của Hiệp hội để giới thiệu, tuyên truyền về Hiệp hội trong và ngoài nước.
8. Được quyền yêu cầu Hiệp hội bảo về quyền lợi chính đáng của mình khi có những tranh chấp trong quá trình thực hiệ các hợp đồng sản xuất và thương mại dịch vụ.
9. Hội viên liên kết được hưởng mọi quyền lợi của hội viên trừ quyền bầu cử, ứng cử và biểu quyết.
CHƯƠNG IV: TỔ CHỨC CỦA HIỆP HỘI
Điều 16: Bộ máy tổ chức của Hiệp hội
Ban chấp hành Hiệp hội
Ban thường trực
Chủ tịch Hiệp hội
Các Phó chủ tịch, văn phòng Hiệp hội và các ban chuyên môn.
Cơ sở của Hiệp hội là các Chi hội, các trung tâm và các bộ phận giúp việc.
Điều 17: Đại hội toàn thể hội viên được triệu tập 5 đợt một lần
Các hội viên có nhiệm vụ thực hiện các công việc sau trong mỗi kỳ họp Đại hội:
- Thông qua các điều lệ Hiệp hội hay bổ sung, sửa đổi (nếu có)
- Kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết của hiệp hội.
- Thông qua báo cáo tài chính của nhiệm kỳ trước
- Bầu ban chấp hành mới.
- Bầu trưởng ban kiểm tra.
- Thảo luận và phê chuẩn chương trình, kế hoạch hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ kế tiếp.
Điều 18: Ban chấp hành Hiệp hội (BCH)
1. BCH là cơ quan điều hành cao nhất giữa hai kỳ đại hội, do các hội viên bầu ra trong kỳ họp đại hội. Số lượng thành viên BCH là số lẻ, số lượng ủy viên cũng do các hội viên quyết trong đại hội.
2. BCH sẽ tự bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch, chỉ định Chánh văn phòng và Trưởng ban chuyên môn.
3. Đứng đầu BCH là Chủ tịch Hiệp hội. Tùy theo sự phát triển, quy mô tổ chức và mức độ phức tạp của các lĩnh vực hoạt động mà BCH sẽ quyết định số lượng các Phó chủ tịch, các ban chuyên môn, ban thư ký và ban kiểm tra.
4. BCH có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Phân công nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách giữa các ủy viên trong BCH.
- Chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Hiệp hội.
- Xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Hiệp hội theo định kỳ.
- Quyết định thực hiện thành lập các đại diện chi nhánh của Hiệp hội tại các địa bàn trong nước, ngoài nước khi thấy cần thiết và theo đúng quy định của Pháp luật.
- Được quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật trưởng đại diện, giám đốc chi nhánh trung tâm của Hiệp hội.
- Được quyết định thành lập trung tâm thông tin khoa học kỹ thuật, ban hành bản tin nội bộ.
- Xét nhu cầu cụ thể của Hiệp hội có thể ra quyết định thành lập trung tâm dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu, xây lắp và chuyển giao công nghệ.
- Xét duyệt đơn xin gia nhập Hiệp hội.
- Quyết định xóa tên hội viên cũ do tự nguyện rút đơn ra khỏi Hiệp hội hay do không chấp hành điều lệ Hiệp hội.
- Tổng hợp ý kiến của Hiệp hội và đề xuất kiến nghị đối với chính sách quản lý, quy định của Nhà nước sao cho phù hợp với tình hình thực tế và có lợi ích cho các hội viên.
- Quyết định khen thưởng và kỷ luật hội viên.
5. Ban chấp hành họp 06 tháng một lần hoặc bất thường theo triệu tập của Chủ tịch Hiệp hội. Biểu quyết tại hội nghị BCH thực hiện theo nguyên tắc đa số quyết định có giá trị là quyết định ít nhất ½ số ủy viên dự họp biểu quyết đồng ý.
Điều 19: Ban thường trực Hiệp hội
1. Ban thường trực Hiệp hội bao gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và Chánh văn phòng.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban thường trực hiệp hội:
- Điều hành công việc thường trực của Hiệp hội và những công việc theo chương trình công tác giữa hai kỳ đại hội.
- Theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết của đại hội toàn thể hội viên, hội nghị thường niên Hiệp hội và của BTC.
- Giữ mối quan hệ chặt chẽ với các hội viên, các thành viên trong BCH.
- Thay mặt Hiệp hội chặt chẽ với các hội viên, các thành viên trong BCH.
- Đảm nhiệm công tác nghiệp vụ, hành chính tổng hợp, quản trị tài chính của Hiệp hội.
3. Ban thường trực Hiệp hội họp 6 tháng một lần hoặc họp bất thường theo triệu tập của Chủ tịch Hiệp hội.
4. Giúp việc cho Ban thường trực là văn phòng Hiệp hội do Phó chủ tịch thường trực phụ trách.
Điều 20: Chủ tịch Hiệp hội
1. Chủ tịch Hiệp hội do BCH bầu. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hiệp hội là 5 năm.
2. Chủ tịch Hiệp hội có nhiệm vụ:
- Đại diện về pháp lý trong các hoạt động và trong quan hệ đối nội, đối ngoại của Hiệp hôi.
- Thay mặt BTC triệu tập hội nghị thường niên, chủ trì các cuộc họp định kỳ hoặc bất thường của BCH.
3. Khi Chủ tịch Hiệp hội đi vắng thì phải ủy quyền cho một Phó chủ tịch thay thế.
Điều 21:
Hội nghị thường niên toàn thể các hội viên Hiệp hội họp mỗi năm một lần đề:
- Đánh giá tình hình hoạt động của năm trước.
- Phổ biến chương trình hoạt động năm tới.
- Thông qua quyết toán thu chi tài chính năm trước và dự toán thu chi năm tài chính kế tiếp.
- Thông báo bổ sung các hội viên mới, xóa tên các hội viên cũ được BCH duyệt.
Điều 22:
Đại hội và hội nghị toàn thể các hội viên có thể họp bất thường khi có yêu cầu của ít nhất 2/3 hội viên hoặc ít nhất 2/3 số thành viên BCH.
Chủ tịch hiệp hội có thể triệu tập hội nghị toàn thể hội viên khi có công tác đột xuất.
CHƯƠNG V: CÁC QUY ĐỊNH VỀ TÀI CHÍNH
Điều 23:
Nguồn thu nhập của Hiệp hội bao gồm hội phí tham gia Hiệp hội của hội viên đóng góp hàng năm; Tiền thu hợp pháp từ các hoạt động tư vấn thông tin, dịch vụ và các hợp đồng khác. Tiền ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài nước và các khoản thu khác.
Điều 24:
Hội phí tham gia Hiệp hội do các hội viên ấn định trong kỳ họp đại hội đầu tiên.
Hội phí của các hội viên tư vấn và Hội viên liên kết được đóng tùy theo khả năng và tự nguyện.
Hội phí của hội viên chính thức được tính bằng sản lượng sản phẩm tiêu thụ, bằng % doanh thu hoặc % lợi nhuận trước thuế của đơn vị của kế hoạch năm trước, do Đại hội toàn thể hội viên quyết định.
Điều 25:
Năm tài chính đầu tiên của Hiệp hội bắt đầu từ ngày họp đại hội toàn thể hội viên lần thứ nhất và kết thúc vào ngày 31/12 cùng năm. Năm tài chính tiếp theo được tính theo năm dương lịch từ 1/1 và kết thúc vào 31/12 cùng năm.
ĐIỀU 26: Các khoản chi của Hiệp hội
Chi cho các hoạt động thường xuyên của Hiệp hội.
Mua sắm dịch vụ văn phòng phục vụ cho công tác của Hiệp hội.
Chi khen thưởng.
Tài chính của Hiệp hội được quản lý theo chế độ tài chính Nhà nước.
Điều 27:
1. Ban thường trực tổng hợp, lập báo cáo các diễn biến thu chi tài chính trong năm và chuyển cho Ban kiểm tra của Hiệp hội trong vòng 15 ngày sau khi kết thúc năm tài chính.
2. Ban kiểm tra xem xét các báo cáo về công tác tài chính của Hiệp hội.
3. Các kế hoạch thu chi do BTC thông qua và báo cáo trước Đại hội toàn thể hội viên.
4. Nếu quỹ tiền năm tài chính trước dư sẽ chuyển sang năm tài chính kế tiếp.
5. Trong trường hợp Hiệp hội giải thể toàn bộ tài sản (nếu có), tiền quỹ của Hiệp hội sẽ được kiểm kê, đánh giá lại và được toàn thể hội viên thống nhất xử lý theo quy định hiện hành.
CHƯƠNG VI: KHEN THƯỞNG KỶ LUẬT
Điều 28:
1. Cán bộ quản lý trong Hiệp hội, hội viên và ban ngành chuyên môn của Hiệp hội có nhiều thành tích đóng gáp cho hoạt động của Hiệp hội sẽ được khen thưởng. BCH sẽ xem xét và quyết định mức độ khen thưởng.
2. Các cán bộ quản lý trong Hiệp hội, hội viên vi phạm điều lệ Hiệp hội, làm tổn hại đến lợi ích của Hiệp hội hay của hội viên khác phải chịu xử lý kỷ luật do BTC xem xét từ mức phê bình, cảnh cáo hoặc khai trừ ra khỏi Hiệp hội tùy mức độ vi phạm.
CHƯƠNG VII: ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 29:
Bản điều lệ này gồm 7 chương 29 điều, được toàn thể hội viên thông qua ngày 01 tháng 07 năm 2000 và có giá trị kề từ ngày được Ban tổ chức cán bộ chính phủ phê duyệt. Tất cả các hội viên Hiệp hội có trách nhiệm thực hiện điều lệ này.
Mọi sửa đổi trong điều lệ phải được thông qua tại Đại hội toàn thể hội viên mới có giá trị thực hiện.
|
|