Sợi PVA (polyvinyl alcohol)

Sợi PVA (polyvinyl alcohol) có độ chịu tải cao và độ co giãn dưới tải thấp, nhờ đó chúng có sức bền (hay còn gọi là khả năng gia cố vật liệu tổng hợp).

Chúng đem lại cho vật liệu tổng hợp sức chịu tải cao và bền va đâp. Với đặc tính bền hóa chất, chúng thích hợp dùng để chế tạo sản phẩm fibro xi măng. Ở sản phẩm này, chúng thể hiện khả năng kết dính với xi măng tốt hơn những polyme hữu cơ khác, ví dụ như polypropylen. Tuy nhiên, khả năng kết dính với xi măng của sợi PVA vẫn kém hơn so với sợi amiăng trắng. Sợi PVA cứng và chịu mài mòn tốt. Trọng lượng riêng của PVA là 1.3 g/cm3, bằng một nửa sợi thủy tinh hoặc amiăng trắng. Sợi PVA được chế tạo dưới dạng đứt đoạn hoặc liên tục. Chi phí của sợi PVA vào khoảng 2.5 USD/kg đến 15 USD/kg.

Các thuộc tính của sợi PVA:

Đường kính sợi Micrômét 13 16 26
Độ bền kéo MPa 1800 1790 1590
Mô đun đàn hồi GPa 38 37 32
Độ giãn % 6.5 6.9 7.2

So với amiăng trắng, sợi PVA có khả năng chịu lực và sức bền hóa học tương đương, nhưng không có ưu thế về chi phí và khả năng chịu nhiệt. Trong điều kiện ẩm ướt, sợi PVA không thể tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn 900C vì sợi PVA tan trong nước nóng. Đây chính là nhược điểm lớn khi sử dụng PVA trong các sản phẩm tấm lợp fibro xi măng. (Nguồn: Vật liệu thay thế amiăng – Marcel Cossette)

Ứng dụng thử thay thế cho sợi amiăng trắng tại Việt Nam

Tính đến nay, một số dự án sản xuất tấm lợp sợi PVA đã được triển khai tại một số nhà máy trên cả nước. Năm 2003 – 2005, Đề tài cấp Nhà nước KC.06.15 “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiang năng suất 500.000 m2/năm”được triển khai nghiên cứu. Năm 2007, Công ty Cổ phần Tân Thuận Cường – Hải Dương là cơ sở sản xuất đầu tiên thiết kế, chế tạo và vận hành dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng amiang tại Việt Nam. Từ năm 2012 – 2014, Dự án Sản xuất Thử nghiệm cấp Nhà nước KC.03.DA.03/11 – 15 “Hoàn thiện công nghệ chế tạo dây chuyền sản xuất tấm sóng, tấm phẳng không amiang năng suất 3 triệu m2/năm”tiếp tục được triển khai. Năm 2014, Công ty Cổ phần Nam Việt tiếp nhận chuyển đổi thành công dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng amiang.

Sau một thời gian ứng dụng, 2 nhà máy của Công ty Cổ phần Tân Thuận Cường và Công ty Cổ phần Nam Việt đều gặp khó khăn trong việc tiêu thụ và ứng dụng vật liệu thay thế này. Với dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiang đạt công suất thiết kế 1.200.000/sản phẩm/năm, Công ty Cổ phần Tân Thuận Cường đã đưa ra thị trường tiêu thụ vào năm 2008. Tuy nhiên sau một thời gian tiếp cận thị trường, sản phẩm không tiêu thụ được do giá thành tấm không amiang cao hơn từ 45 – 50% tấm có amiang, trong khi thị trường tiêu thụ chủ yếu là vùng sâu vùng xa và dân tộc thiểu số với mức sống còn nghèo.

Phát biểu tại Hội nghị khoa học “Xem xét kiến nghị về việc sử dụng amiăng trắng  ở Việt Nam” ngày 28/7 của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện Công ty Cổ phần Tân Thuận Cường khẳng định: “Tới giờ phút này, dù có sản xuất tấm không amiăng và cả tấm AC nhưng thực tế tấm không amiăng sản lượng chỉ chiếm 2 – 3% của công ty còn lại là toàn bộ tấm AC… Giá tấm không amiăng cao gấp 2 lần với tấm amiăng trắng và thị trường tiêu thụ không có.” Cùng lúc đó, Công ty Cổ phần Nam Việt đã dừng sản xuất tấm sợi PVA từ lâu do tấm có những điểm yếu, đặc biệt là dễ vỡ và giá thành cao. Năm 2017, Công ty Cổ phần Nam Việt chính thức đóng cửa.