Phân biệt Amiăng trắng và amiăng nâu, xanh

(Vietnamnet) – Thực tế, dù có chung tên thương mại là amiăng, amiăng trắng và amiăng nâu và xanh lại có cấu trúc vật lý và thành phần hoá học rất khác nhau.
Sự khác nhau giữa amiăng trắng và amiăng nâu, xanh

Do cấu trúc hoá học, khi đi vào trong phổi amiăng trắng sẽ nhanh chóng bị phân hủy bởi môi trường axit được tạo ra bởi các đại thực bào hay bị đào thải ra khỏi cơ thể trong vòng từ 0,3 – 11 ngày.

Trong khi đó, các sợi thuộc nhóm amiăng nâu và xanh với cấu tạo dạng thẳng, nhám, hình kim và chu kỳ bán tiêu hủy chậm khi đi qua đường hô hấp vào phổi sẽ nằm lại đó, không bị phân huỷ, kích thích việc tạo thành các u, bướu, gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người.

Cũng vì vậy mà nhóm này đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới, chỉ còn amiăng trắng được phép sử dụng có kiểm soát tại 147 quốc gia. Tại Việt Nam, chỉ có amiăng trắng là loại duy nhất được sử dụng từ năm 1963 đến nay.

amiang trắng
Amiăng trắng

Phát biểu tại Hội nghị về sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam và thế giới (28/07/2017), PSG.TS Lương Đức Long – Viện trưởng Viện VLXD cho biết: Thành phần chính của amiăng trắng gồm có 80% là silic và magie, trong khi đó của amphibole là 90% là silic và sắt. Do có sự khác nhau về thành phần này, theo quan điểm về vật liệu học, đây là hai loại khác nhau. Các sản phẩm amiăng xi măng chứa lượng sợi amiăng trắng rất nhỏ, chỉ từ 8 – 10%, còn lại là xi măng chiếm 55%, tro bụi than thiên nhiên chiếm 35%.

Cũng theo ông Long, các sợi amiăng trắng có cấu trúc rỗng nên chất kết dính như xi-măng sẽ lấp đầy các sợi này, tạo ra sự liên kết rất bền vững, chặt chẽ, khó phá hủy và rất khó để phát tán ra môi trường.

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương – Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết: “Năm 2015, Viện Nhà nước và Pháp luật có tiến hành một nghiên cứu về an toàn hóa chất trong đó có nghiên cứu về quy định của các nước quản lý, sử dụng an toàn và có trách nhiệm các sản phẩm amiăng. Pháp luật các nước đều nêu rõ nếu amiăng trắng đã được ngâm trong chất ép dính tự nhiên hay nhân tạo thì không cần áp dụng các quy định, biện pháp an toàn, điều đó có nghĩa là nếu ép vào chất kết dính trong xi măng hay ép thành bánh trong các gioăng động cơ thì không cần áp dụng quy định an toàn kể cả tiêu hủy. Nước Mỹ đã từng ra lệnh cấm sử dụng sợi amiăng trắng nhưng tòa án tối cao đã gỡ bỏ lệnh cấm và khẳng định việc những sản phẩm không bở, không phát ra bụi sợi amiăng thì không gây ra ung thư phổi”.

Giải bài toán vật liệu thay thế

Thực tế, đã có nhiều phương án sợi thay thế cho amiăng trắng được thực hiện. Năm 2014, Viện Vật liệu Xây dựng triển khai đề tài “Nghiên cứu kiểm tra, đánh giá chất lượng của tấm amiăng xi măng và tấm amiăng sợi PVA”. Kết quả cho thấy các thông số về tải trọng uốn gãy, cường độ uốn và lực phá hủy của tấm sợi amiăng trắng đều cao hơn so với tấm sợi PVA. Cụ thể là tấm sử dụng amiăng trắng có cường độ uốn trung bình là 17,6-22,7 MPa và lực phá huỷ là P=453,2N. Các chỉ số này ở tấm PVA lần lượt là 11,5 MPa và P=230,5N.

Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng đã triển khai các đề tài nghiên cứu về sợi thay thế. Kết quả cho thấy tấm lợp thay thế có độ cứng kém hơn 2 lần so với tấm lợp phibro xi măng.

Báo cáo của Cty CP Xây lắp và VLXD Đông Anh, đơn vị từng hai lần thử nghiệp công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng trắng năm 2001 và 2014 nhưng không thành công.

Ông Lê Văn Nghĩa- Bí Thư Đảng Uỷ – Tổng GĐ công ty CP Đầu tư, Xây lắp và VLXD Đông Anh cho biết, hiện công ty vẫn tồn kho 2 tấn sản phẩm tấm lợp thay thế. Nhà máy này cũng từng nhập khẩu tấm lợp không amiăng của Thái Lan về bán thử nghiệm. Kết quả kiểm tra bởi Viện Vật liệu xây dựng cho thấy tấm thay thế vẫn chứa 4% amiăng trắng.

Ngoài ra, 2 nhà máy Navifico và Tân Thuận Cường cũng thử nghiệm dây chuyền công nghệ không amiăng trắng. Được đầu tư hàng tỷ đồng cùng những hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ các nước sản xuất sợi PVA, nhưng hiện nay Navifico đã tạm dừng hoạt động trong khi công ty Tân Thuận Cường phải sản xuất tấm phibro xi măng để đảm bảo sản xuất và công việc cho người lao động.

Ông Ngô Thanh Dương – Phó Giám đốc sản xuất nhà máy Tân Thuận Cường cho biết đây là đơn vị đầu tiên sản xuất tấm lợp không amiăng tại Việt Nam. Hiện nay, doanh nghiệp có sản xuất cả tấm không amiăng và tấm phibro xi măng nhưng tấm không amiăng sản lượng chỉ chiếm 2 -3% của công ty còn lại là tấm phibro xi măng. Theo ông Dương, giá thành tấm không chứa amiăng cao cấp 2 lần tấm phibro xi măng nên việc tiêu thụ khó khăn.

Mới đây, ngày 11/7/2017 văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 7232/VPCP-KGVX với nội dung yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu về loại sợi có thể thay thế amiăng trắng đáp ứng được yêu cầu và khả năng chi trả của người dân tại các vùng khó khăn.

Thanh Loan