Những nguy hại về sức khỏe nghề nghiệp và môi trường liên quan tới amiăng trong má phanh dạng tang trống và má phanh dạng đĩa (từ năm 1900 đến nay)

Trong lịch sử phát triển của ô tô, chất amiăng chrysotile luôn là một thành phần quan trọng trong má phanh dạng đĩa và má phanh dạng tang trống . Cho tới những năm 1980, các vật liệu thay thế mới được phát triển đầy đủ và lắp ráp trong các phương tiện giao thông sản xuất trong một thập kỷ qua.

Bài viết này trình bày bản phân tích hoàn chỉnh về những nguy hại về sức khỏe nghề nghiệp và môi trường liên quan đến chất amiăng chrysotile trong má phanh dạng tang trống và má phanh dạng đĩa. Bài viết dành một phần để mô tả sự phát triển của những vật liệu chịu ma sát của phanh xe và phanh xe ô tô từ những năm đầu thập kỷ 90.

Những lo ngại về việc phơi nhiễm với amiăng trong nhóm công nhân sản xuất vật liệu chịu ma sát đã dấy lên đầu thập niên 1930. Từ năm 1930 đến 1959, có tám nghiên cứu được thực hiện trên nhóm công nhân sản xuất vật liệu chịu ma sát là một phần của đối tượng đánh giá . Các nghiên cứu này cho thấy bằng chứng về nguy cơ mắc bệnh bụi phổi amiăng của những công nhân phơi nhiễm cao, nhưng lại cung cấp rất ít thông tin về cường độ phơi nhiễm. Cơ quan Y tế Công cộng Hoa Kỳ đề xuất hướng dẫn về nghề nghiệp đối với phơi nhiễm amiăng đầu tiên vào năm 1938. Mối quan hệ nhân quả giữa phơi nhiễm amiăng và bệnh ung thư phổi được xác định vào năm 1955 đối với các công nhân dệt có tiếp xúc với amiăng ở Anh, và sau đó, vào năm 1960 ở Nam Phi, ung thư trung biểu mô được cho là có liên quan đến phơi nhiễm amiăng, dù với nồng độ crodiolite trong không khí tương đối thấp. Từ năm 1960 đến 1974, năm nghiên cứu dịch tễ học đối với công nhân sản xuất các sản phẩm chịu ma sát được tiến hành. Cùng thời gian này, những nghiên cứu ban đầu về phát thải bụi mòn phanh được tiến hành cho thấy phanh xe ô tô không phải là tác nhân đáng kể tạo ra sợi amiăng có kích thước lớn hơn 5μm trong không khí. Những khảo sát về phơi nhiễm đầu tiên, cũng như những nghiên cứu ban đầu về tác động sức khỏe đối với thợ sửa phanh đã được tiến hành trong thời gian này. Năm 1971, Cục Y tế và An toàn Nghề nghiệp thông qua những tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên về phơi nhiễm với amiăng tại nơi làm việc. Từ sau năm 1974, các thông tin về phơi nhiễm amiăng trong không khí của thợ sửa phanh khi sửa phanh xe đã được thu thập chủ yếu là qua một loạt các cuộc khảo sát của Viện Quốc gia Hoa Kỳ về Y tế và An toàn nghề nghiệp (NIOSH). Những cuộc khảo sát này đã chỉ ra nồng độ amiăng trung bình tính theo thời gian (thời gian từ khoảng 1 đến 6 giờ) là từ 0.004 đến 0.28 sợi trên một cm3, và nồng độ trung bình theo thời gian  là khoảng 0.05 sợi trên một cm3 không khí. Dữ liệu cũng cho thấy những thợ cơ khí không bị phơi nhiễm với nồng độ sợi trung bình theo thời gian ở trên mức phơi nhiễm cho phép tại thời điểm nghiên cứu. Từ 1975 đến 2000, hơn 25 nghiên cứu dịch tễ học được tiến hành để tìm hiểu những nguy cơ của các bệnh liên quan đến phơi nhiễm amiăng trong thợ sửa phanh.

Những nghiên cứu này đã chỉ rõ rằng những thợ cơ khí này không có nguy cơ cao về những tác động nguy hại đối với sức khỏe do phơi nhiễm với amiăng. Cụ thể là, nghiên cứu không tìm thấy nguy cơ về ung thư trung biểu mô hay bệnh bụi phổi amiăng trong thợ sửa phanh và không có bằng chứng cho thấy ung thư phổi trong nhóm nghề nghiệp này là do phơi nhiễm amiăng trong quá trình sửa chữa phanh xe.