Một số giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ người lao động

Những giải pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ người lao động như lựa chọn công nghệ, kiểm soát tại nguồn, các biện pháp công nghệ và kỹ thuật, vệ sinh công nghiệp và thu gom chất thải, phương tiện bảo vệ cá nhân, giám sát môi trường lao động…

1. Lựa chọn công nghệ

Đối với các dự án mới, nên lựa chọn công nghệ nhập xi măng rời với hệ thống vận chuyển khí nén (hoặc vít tải), định lượng tự động; có máy cắt và huỷ bao amiăng tự động, sử dụng công nghệ ướt ngay từ khâu nghiền amiăng.

2. Kiểm soát tại nguồn

  • Việc bốc dỡ, vận chuyển các bao amiăng và xi măng phải được chú ý đặc biệt, tránh làm rách bao. Nếu vật liệu bị rơi vãi phải quét và thu hồi ngay.
  • Nhà kho phải được thiết kế và giữ gìn để hạn chế việc lan toả bụi.
  • Các nguồn phát sinh bụi (máy công nghệ, băng tải) phải được bao che kín hết mức có thể.
  • Các chụp hút bụi bố trí càng sát nguồn phát sinh bụi càng tốt.
  • Có thể cấp nước vào túi amiăng để hạn chế lan toả của bụi. Tuy nhiên giải pháp này có hạn chế nếu việc vận chuyển bao amiăng thực hiện thủ công: phun nước làm tăng đáng kể trọng lượng bao amiăng.

3. Các biện pháp công nghệ và kỹ thuật

  • Tại các vị trí mở bao và nạp liệu đều phải có hệ thống hút bụi cục bộ. Các cơ cấu thu bắt bụi thường được thiết kế dưới dạng tủ hút, có kích thước đủ lớn để có thể thực hiện việc cắt bao ngay bên trong tủ và có chỗ để cho các bao rỗng. Hệ thống cần được thiết kế đảm bảo luôn giữ áp suất âm bên trong tủ hút và phải có thiết bị xử lý bụi phù hợp (ví dụ túi vải hoặc túi xiclon-vải) để bảo vệ môi trường.
  • Các dây chuyền sử dụng bao giấy đựng amiăng có thể cho thẳng vào máy nghiền.
  • Bố trí các hệ thống băng tải đưa các bao đến vị trí nạp liệu, tại độ cao phù hợp để tránh cho công nhân những thao tác và tư thế lao động bất lợi.
  • Các máy nghiền amiăng khô phải bao che kín và có hệ thống hút lọc bụi. Tại các vị trí nạp và xả liệu đều phải có chụp hút. Bột amiăng ra khỏi máy nghiền nên đưa vào băng tải kín để vận chuyển đến công đoạn tiếp theo, không cho ra bao tải và vận chuyển thủ công. Các máy này có thể cải tạo để hạn chế phát sinh bụi bằng cách thiết kế, lắp đặt thêm hệ thống cấp nước vào bên trong máy.
  • Đối với các máy nghiền ướt cũng nên có chụp bao che để tránh hiện tượng văng liệu ra ngoài, có thể dính trực tiếp vào quần áo của NLĐ, hoặc rơi xuống đất, dính vào giầy dép hoặc bánh xe vận chuyển, khi khô đi cũng có thể lan toả bụi trong phân xưởng.
  • Đối với các nhà máy có thêm máy nghiền clinker, xi măng nên cho ra băng tải chạy thẳng đến máy trộn phối liệu. Nếu điều này khó thực hiện (ví dụ do 2 phân xưởng ở cách xa nhau), thì việc sử dụng băng tải cũng rất hữu ích cho việc cách ly NLĐ khỏi máy nghiền là nguồn ồn rất lớn. Băng tải phải bao che kín và có chụp hút bụi tại các vị trí ra xi măng, vào bao.
  • Phải có các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn cho máy nghiền như thực hiện chế độ bảo dưỡng máy định kỳ; lắp đặt máy trên các cơ cấu giảm rung; móng đủ trọng lượng, bê tông mác cao, cách ly với nền bằng cát khô; cách âm khu vực điều hành với khu vực sản xuất bằng các buồng điều khiển hoặc cabin có bố trí các vật liệu tiêu âm.
  • Tổ chức thông gió cho phân xưởng và kho.
  • Tại các dây chuyền có công đoạn dưỡng hộ bằng hơi nước, khí thải nồi hơi chứa bụi và một số khí độc hại như CO, SO2, NOx phải được xử lý trước khi thải ra môi trường bên ngoài.
  • Đảm bảo thực hiện các quy định về an toàn nồi hơi theo TCVN 6006-95 và TCVN 6007-95.
  • Thiết kế, lắp đặt các hệ thống thông gió, hút bụi phải do các cơ quan có chức năng thực hiện. Các hệ thống này – bao gồm cả hệ thống đường ống, thiết bị lọc, quạt – phải được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo hoạt động có hiệu quả.
  • Có các biện pháp phòng ngừa TNLĐ như sàn thao tác phải có che chắn, cầu thang an toàn, thường xuyên được vệ sinh, các máy móc có bộ phận chuyển động phải có che chắn… Tại mọi công đoạn đều phải có bố trí các bảng nội quy về vận hành và an toàn lao động, những tranh áp-phích dễ hiểu về an toàn – vệ sinh lao động tại những vị trí dễ đọc và dễ nhận biết nhất. Mọi thao tác phải tuân thủ theo đúng những quy định về vận hành và an toàn này.
  • Nhà xưởng, thiết bị máy móc đều phải có hệ thống chống sét, nồi đất. Phải có đầy đủ các phương tiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của TCVN3990-84.

4. Vệ sinh công nghiệp và thu gom chất thải

  • Định kỳ vệ sinh công nghiệp cho thiết bị máy móc công nghệ và thiết bị lọc bụi, hút bụi cho nhà kho, vệ sinh sàn nhà, v.v.
  • Các bao amiăng phải được cắt nhỏ, tái sử dụng lại như nguyên liệu. Nếu không có máy cắt, các bao đựng amiăng rỗng phải được quản lý (thu gom, vận chuyển, xử lý, v.v.) đúng theo các văn bản quy định đối với chất thải nguy hại đã được ban hành. Ví dụ: để ngay vào các túi nilon hoặc thùng và mang đi chôn lấp tại các bãi chôn lấp quy định của địa phương, tuyệt đối không được mang ra ngoài nhà máy và tái sử dụng.
  • Các mảnh tấm lợp vỡ được coi là chất thải rắn có thể được nghiền lại và tái sử dụng. Nếu dây chuyền chưa có được máy nghiền, các mảnh vỡ này phải được phun nước trước khi thu gom để hạn chế sự phát tán bụi và chôn lấp tại các bãi chôn lấp quy định của địa phương.
  • Nước thải công nghệ được thu gom vào các silô, bể lắng và tuần hoàn trở lại. Nước thải từ các thiết bị xử lý bụi cũng được đưa ra các bể lắng này. Cặn từ các bể lắng được thu gom và tái sử dụng như nguyên liệu.
  • Bụi từ các thiết bị lọc bụi khô như thiết bị lọc bụi túi vải được thu gom trong các túi nylon dày, có dán nhãn, buộc chặt và chôn lấp.

5. Phương tiện bảo vệ cá nhân

  • Người sử dụng lao động phải thực hiện các quy định về phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định của Thông tư số 10/1998/TT-BLĐTBXH ngày 28/05/1998, Quyết định số 955/QĐ-BLĐTBXH ngày 22/09/1998 và số 1320/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 6/10/1999.
  • Tất cả NLĐ đều được trang bị miễn phí quần áo BHLĐ, tối thiểu là 2 bộ/quý. Quần áo phải có kích thước phù hợp, thuận tiện cho thao tác, làm bằng vật liệu bền chắc nhưng thoáng mát. Quần áo BHLĐ phải thường xuyên giặt giũ và không được mang ra khỏi nhà máy.
  • Quần áo BHLĐ nên giặt ngay tại nhà máy. Nếu phải mang ra ngoài giặt, quần áo BHLĐ phải được hút bụi hoặc làm ướt và cho vào túi nylon kín.
  • Trang bị đầy đủ khẩu trang, mũ bảo hộ, găng tay cho NLĐ, đặc biệt NLĐ ở các công đoạn vận chuyển, thu gom chất thải rắn và vệ sinh, mở bao và nghiền liệu. Nếu nồng độ bụi tại khu vực làm việc cao hơn giới hạn cho phép, NLĐ phải được trang bị khẩu trang chuyên dụng hoặc bán mặt nạ. Các trang bị này cần phải được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ và không được mang ra ngoài nhà máy.

6. Giám sát môi trường lao động

MTLĐ phải được quan trắc định kỳ hàng năm bởi các cơ quan có chức năng, ví dụ Viện BHLĐ, Viện Y học Lao động & Vệ sinh Môi trường, Bệnh viện Xây dựng. Người sử dụng lao động phải luôn có các số liệu đo đạc đại diện về nồng độ bụi hô hấp và toàn phần, nồng độ sợi, các thông số vi khí hậu, tiếng ồn, ánh sáng tại tất cả các công đoạn sản xuất. Dựa trên các số liệu quan trắc, các cơ quan có thẩm quyền và người sử dụng lao động có thể quyết định thực hiện những biện pháp cần thiết để cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo các yếu tố của môi trường lao động nằm trong các giới hạn cho phép. Đối với các khu vực có nồng độ bụi và sợi amiăng khá dao động giữa các công đoạn hoặc giữa các thời điểm, đề đánh giá được nguy cơ đối với từng NLĐ cần thiết phải lấy mẫu bụi cá nhân tại vùng thở của họ. Mẫu bụi cá nhân cần phải lấy ở các thời điểm khác nhau trong ca sản xuất và đặc biệt lưu ý cho các công đoạn bảo dưỡng, vệ sinh công nghiệp. Quan trắc MTLĐ phải thực hiện theo các phương pháp sau, hoặc theo các thường quy kỹ thuật quốc tế:

  • Nồng độ sợi amiăng trong không khí vùng làm việc được xác định theo “TCVN6504:1999 – Chất lượng không khí – Xác định nồng độ số sợi vô cơ trong không khí bằng kính hiển vi quang học phản pha – Phương pháp lọc màng” hoặc “TCXDVN 268:2002 – Chất lượng không khí – Xác định nồng độ số sợi amiăng trong không khí bằng kính hiển vi quang học phản pha  – Phương pháp lọc màng”.
  • Nồng độ bụi toàn phần được xác định theo “TCVN 5704:1993 – Không khí vùng làm việc – Phương pháp xác định hàm lượng bụi” hoặc “TCVN 5067:1995 – Chất lượng không khí – Phương pháp khối lượng xác định hàm lượng bụi”.
  • Nồng độ bụi cá nhân xác định theo “Thường quy kỹ thuật y học lao động, vệ sinh môi trường, sức khoẻ trường học, năm 2002”.
  • Một số chất khí độc hại phát sinh tại khu vực lò hơi (CO, NOx, SO2) xác định theo “TCVN 5972:1995 – Không khí xung quanh – Xác định nồng độ khối lượng của CO – Phương pháp sắc ký khí”, “TCVN 6137:1996 – Không khí xung quanh – Xác định nồng độ khối lượng của NOx – Phương pháp Griss-Saltzman cải biên”. Riêng khí SO2 có thể sử dụng một số phương pháp khác nhau, tuỳ theo hàm lượng của nó trong không khí.
  • Tiếng ồn xác định theo “TCVN 3985:1999 – Âm học – Mức ồn cho phép tại các vị trí làm việc, Phụ lục B”.
  • Các chỉ tiêu vi khí hậu xác định theo quy định của Bộ Y tế 3733/2002/QĐ-BYT.

Các kết quả đo đạc phải được hệ thống hoá và lưu trữ ít nhất 20 năm. Số liệu lưu trữ phải bao gồm mọi thông tin về nguyên liệu, sản phẩm, dây chuyền công nghệ, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát. NLĐ và tổ chức công đoàn có quyền được biết các số liệu liên quan đến mục đích phòng ngừa rủi ro và bảo vệ sức khoẻ, tính mạng NLĐ. Các cơ quan chức năng được khuyến khích tham khảo các số liệu này nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, nghiên cứu dịch tễ, lựa chọn công nghệ và các biện pháp cải thiện môi trường lao động.

Hiện nay, các kết quả đo đạc chất lượng môi trường tại các cơ sở sản xuất tấm lợp AC ở Việt Nam được công bố chủ yếu là kết quả từ các đề tài hoặc các đợt điều tra. Ví dụ các kết quả đo đạc của Dự án “Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng” (2003) của Bộ Xây dựng cho thấy hầu hết các công đoạn trong dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng – xi măng vẫn có tình trạng bị ô nhiễm về bụi tổng, kể cả tại công đoạn xeo được đánh giá là không phát sinh bụi nhưng cũng bị ảnh hưởng bụi lan toả từ các khu vực khác sang. Nếu so sánh với tiêu chuẩn về nồng độ sợi amiăng của Bộ Y tế (0,5 sợi/cm3 lấy mẫu trong 1 giờ), các vị trí làm việc có tiếp xúc với amiăng vẫn còn tỷ lệ số mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) khá cao, đặc biệt tại kho amiăng (100%) và máy nghiền amiăng (67,5%). Theo số liệu khảo sát của đề tài “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng – ximăng và ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người. Kiến nghị các giải pháp” (2003) do Bộ TN&MT và Bộ GD&ĐT thực hiện cho 35 cơ sở sản xuất tấp lợp AC thì ở khâu nghiền amiăng và khâu trộn nguyên liệu có đến hơn 80% cơ sở sử dụng công nghệ hở, gây phát tán bụi rất nhiều. Việc áp dụng các công nghệ xử lý bụi, xử lý nước thải … chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Hầu như toàn bộ các cơ sở sản xuất đều bị ô nhiễm, đặc biệt có đến 78% số cơ sở bị ô nhiễm bụi amiăng trong phân xưởng sản xuất, nơi bị ô nhiễm nặng nhất đến 4,2 sợi/cm3 vượt quá mức cho phép đến 8,7 lần theo TCCP của Bộ Y tế. Kết quả điều tra 23 cơ sở sản xuất tấm lợp AC của Bộ Y tế (2005) cho thấy tại 10 cơ sở có nồng độ bụi amiăng vượt TCCP từ 4-11 lần, 13 cơ sở còn lại vượt TCCP từ 1-1,5 lần.

7. Giám sát sức khoẻ NLĐ

Chương trình giám sát sức khoẻ NLĐ cần phải được thực hiện theo những quy định trong Thông tư số 13/BYT-TT ngày 24/10/1996 của Bộ Y tế. NLĐ phải được khám tuyển, khám định kỳ, khám BNN và khám khi thôi việc. Mọi NLĐ đều được định kỳ khám sức khoẻ 1 lần/năm. Khám BNN có thể tiến hành đồng thời trong các kỳ khám sức khoẻ định kỳ hoặc tổ chức thành các đợt riêng biệt. Trong những trường hợp đặc biệt (ví dụ có những nghi ngờ mắc bệnh liên quan đến nghề nghiệp hoặc BNN), bác sỹ cần chỉ định số lần khám nhiều hơn. Riêng tần suất chụp phim X-quang phụ thuộc vào tuổi đời, tuổi nghề của công nhân và nồng độ bụi tiếp xúc.

Ngoài các nội dung khám tối thiểu theo quy định của Bộ Y tế, công nhân trực tiếp sản xuất phải được khám BNN với nội dung như sau:

  • Khám bệnh bụi phổi – amiăng, bệnh ung thư phổi, bệnh ung thư trung biểu mô;
  • Khám bệnh bụi phổi – silic: khám lâm sàng, đo chức năng hô hấp, chụp phim X-quang phổi;
  • Khám viêm phế quản mãn: khám lâm sàng, đo chức năng hô hấp;
  • Khám điếc nghề nghiệp: khám tai mũi họng, đo thính lực;

NLĐ mắc BNN phải có hồ sơ riêng, được khám và điều trị ở các cơ sở y tế chuyên khoa BNN được Bộ Y tế công nhận như Bệnh viện Xây dựng, các trung tâm y tế lao động tại các địa phương.

Theo một số điều tra và nghiên cứu của Viện Y học Lao động & Vệ sinh MT, kết quả khám lâm sàng cho công nhân làm việc tại các nhà máy tấm lợp amiăng đã cho thấy có 9 dấu hiệu về triệu chứng và bệnh đường hô hấp là ho thường xuyên, khạc đờm thường xuyên, tức ngực khó thở, đau ngực, viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản cấp, viêm phế quản mãn, viêm phổi; nguy cơ mắc các triệu chứng và bệnh đường hô hấp, hội chứng rối loạn thông khí phổi và các dấu hiệu bất thường ở phổi ở công nhân tiếp xúc với bụi amiăng đều cao hơn so với ở công nhân tiếp xúc với xi măng. Các kết quả khám BNN cho thấy BNN chính tại các nhà máy tấm lợp amiăng là bệnh bụi phổi silic.

Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng – ximăng và ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người. Kiến nghị các giải pháp”, qua chụp X-quang cho 1032 công nhân sản xuất tấm lợp tiếp xúc lâu năm nhất, đã phát hiện 4 ca bệnh bụi phổi amiăng thể nhẹ. Đây là số liệu duy nhất đặc hiệu nói lên mức độ ảnh hưởng sức khỏe do amiăng trong sản xuất tấm lợp amiăng – ximăng ở Việt Nam hiện nay. Tuy còn có một số ca lao phổi, bụi phổi silic, chấn thương hoặc dị tật ở phổi, nhưng chúng đều không đặc hiệu do amiăng.

Theo kết quả tổng hợp các báo cáo y tế cơ sở trong hai năm 2005 – 2006 về các trường hợp tử vong, đã xác định được 270 trường hợp do ung thư trung biểu mô, bệnh có liên quan đến tới tiếp xúc amiăng.

8. Thông tin, tuyên truyền, huấn luyện và tư vấn

Thông tin, huấn luyện có thể thực hiện dưới nhiều hình thức: phát thanh, biển báo, tài liệu, tổ chức lớp tập huấn (tại doanh nghiệp hoặc ngoài doanh nghiệp), hoặc thông qua các hội thảo để có thể thông tin được đến cho nhiều đối tượng khác nhau.

Các doanh nghiệp thực hiện công tác thông tin, huấn luyện về AT – VSLĐ theo quy định của Thông tư số 08/BLĐTBXH-TT ngày 11/04/1995 và Thông tư số 23/BLĐTBXH-TT ngày 19/09/1995 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội;

Nội dung thông tin, tập huấn phải được xây dựng riêng cho từng đối tượng: người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, NLĐ và đáp ứng yêu cầu của các cơ quan chức năng. Những vấn đề cơ bản sau cần được thông tin và huấn luyện:

  • Luật pháp, các quy định và các tài liệu hướng dẫn hiện hành có liên quan;
  • Nhãn mác và thông tin về nguyên liệu, vật liệu;
  • Các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nguy hại;
  • Các số liệu về MTLĐ tại khu vực làm việc có liên quan;
  • Các ảnh hưởng cấp tính và mãn tính đến con người khi tiếp xúc với các yếu tố nguy hại, đặc biệt là tiếp xúc với bụi amiăng;
  • Trách nhiệm cũng như nhu cầu hợp tác của các bên…;

Các hoạt động nâng cao nhận thức về những vấn đề liên quan đến tiếp xúc với amiăng có thể do các doanh nghiệp thực hiện hoặc các tổ chức khác nhau. Viện BHLĐ, với chức năng thực hiện các giải pháp bảo vệ NLĐ đã triển khai đề tài “Xây dựng giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng an toàn amiăng chrysotile cho NLĐ ở các cơ sở sản xuất tấm lợp AC”. Bên cạnh các hoạt động như tổ chức tập huấn cho NLĐ về sử dụng an toàn amiăng, sản xuất và phân phát đến cơ sở các ấn phẩm tuyên truyền như tờ rơi, tranh áp-phích, tài liệu…, còn tổ chức buổi hội thảo “Amiăng trong sản xuất và giải pháp an toàn”.

Nguyễn Trinh Hương