Hội nghị các Bên lần thứ 11 Công ước Rotterdam: amiang trắng tiếp tục không vào Phụ lục III và cơ chế đồng thuận tiếp tục được ủng hộ

Kết thúc Kỳ họp thứ 11 Công ước Rotterdam, lại một lần nữa việc đưa Amiang trắng vào Phụ Lục III tiếp tục gặp nhiều sự phản đối. Để đạt được mục đích đưa amiang trắng vào Phụ lục này, hướng vận động của các bên muốn cấm sử dụng amiang đã chuyển sang thay đổi tận gốc rễ của Công ước chính là Quy tắc Đồng thuận. Tuy nhiên, các quốc gia đại diện cho hơn 50% dân số thế giới đã cùng bỏ phiếu phản đối. Loại bỏ quy tắc Đồng Thuận và sử dụng Quy tắc Bỏ phiếu số đông là việc làm sẽ phá hủy hoàn toàn công ước. Ở ngày họp cuối, Ban thư ký Công ước Rotterdam đã quyết định tiếp tục dời vấn đề đưa amiang trắng vào Phụ lục III sang kỳ họp tiếp theo và thống nhất việc không sửa đổi Công ước.

 

Từ ngày 1 đến ngày 12 tháng 5 năm 2023, Công ước của các Bên (COPs) đã được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm thảo luận về ba Công ước quốc tế: Công ước Basel, Công ước Stockholm và Công ước Rotterdam (RC). Phái đoàn từ Việt Nam gồm có:

  • Công ước Basel: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Công ước Stockholm: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Công ước Rotterdam: Bộ Công Thương

Hai vấn đề thảo luận chính trong phiên họp của Công ước Rotterdam lần thứ 11 là: (1) Đề xuất sửa đổi Điều 7, 10, 11 và 22 của Công ước và bổ sung Phụ lục VIII mới; và (2) Đề xuất bổ sung các hóa chất vào Phụ lục III.

Đề xuất bổ sung các hóa chất vào Phụ lục III

Trong phiên họp của năm 2023, ngoài 5 chất đã nhiều kỳ họp được đề xuất đưa vào Phụ Lục III – Fenthion, acetochlor, carbosulfan, amiăng trắng, và paraquat dichloride – thì có thêm 2 chất được đề xuất mới là: iprodione và terbufos. Kết thúc kỳ họp, chỉ có duy nhất terbufos được bổ sung vào Phụ lục III của Công ước Rotterdam.

Phiên họp 9 tháng 5 năm 2023

Nhóm ủng hộ amiăng trắng

Sáng 8/5, trước phiên họp đầu tiên của Công ước Rotterdam tại COPs 11, Liên minh các Công đoàn Thương mại Quốc tế ủng hộ amiăng trắng đã có cuộc biểu tình với nội dung “Phản đối vận động cấm amiang trắng và đề xuất bổ sung Phụ lục VIII” tại địa điểm Chiếc Ghế Gãy, phía trước Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva. Những người tham gia đã giơ cao dòng chữ “Chrysotile còn mãi” / “Chrysotile muôn năm” / “Phụ lục VIII = Phá hủy Công ước” trong khi hát “Bài ca amiăng trắng”.

geneva chrysotile

Nhóm chống amiăng trắng

Sáng ngày 9/5 phía trước tòa nhà CiCG, liên minh vận động đưa amiang trắng vào Phụ lục III đã có buổi biểu tình với nhiều băng rôn, biểu ngữ. Nhóm này cũng đã mời Chủ tịch Công ước Rotterdam vào chụp ảnh khi bà tới tham dự họp.

52883569770 919e82e9e5 o

Phiên họp toàn thể

Trong ngày họp thứ hai của Công ước Rotterdam tại COPs 11, việc đưa amiăng trắng vào Phụ lục III của Công ước đã được thảo luận trong Phiên họp toàn thể. Không có khác biệt gì so với các kỳ họp trước, Bà Chủ tịch cho biết amiăng trắng đã đáp ứng tất cả các yêu cầu trong Phụ lục II của Công ước Rotterdam để đưa vào Phụ lục III.

Tổng cộng có 34 Bên thành viên và 10 Bên không phải thành viên đã phát biểu ý kiến:

Có 28 Bên thành viên ủng hộ đưa amiang trắng vào Phụ lục III: Mauritius, Canada, Nhật Bản, Iran, Na Uy, Colombia, El Salvador, Moldova, Liên minh Châu Âu EU, Ukraine, Serbia, New Zealand, Mexico, Úc, Hàn Quốc, Argentina, Peru, Maldives, Bolivia, Uruguay, Cameroon, Nigeria, Thụy Sĩ, Vanuatu, Samoa, Eswatini, Panama và Vương quốc Anh. Không có khác biệt nhiều so với các năm trước, ý kiến của các bên này xoay quanh: (1) Ủy ban Đánh giá Hóa chất (CRC) đã đề xuất đưa amiang trắng vào Phụ lục III do chất này đạt đủ tiêu chuẩn để đưa vào Phụ lục này; (2) Việc đưa vào Phụ lục III không phải là cấm mà là giúp các nước có đủ thông tin để đưa ra quyết định dùng hay không dùng chất này; (3) Một số quốc gia nhỏ không thể tự mình kiểm soát việc xuất nhập khẩu hóa chất nên việc đưa vào Phụ lục III giúp các quốc gia này có thêm công cụ để kiểm soát. Tuy nhiên, năm nay nhiều bên ủng hộ đưa amiang trắng vào Phụ lục III đã đưa ra ý kiến ủng hộ Đề xuất sửa đổi bổ sung thêm Phụ lục VIII với lý do là cơ chế đồng thuận sẽ mãi mãi là rào cản để đưa amiang trắng vào Phụ lục III.

Có 6 Bên thành viên phát biểu phản đối đưa amiang trắng vào Phụ lục III: Liên bang Nga, Kazakhstan, Zimbabwe, Ấn Độ, Kyrgyzstan và Pakistan. Ý kiến của các bên này xoay quanh: (1) Các bằng chứng khoa học được CRC đưa ra đã quá cũ và hoàn toàn không đủ thuyết phục để đưa amiang trắng vào Phụ lục III; (2) Còn nhiều quốc gia đang sử dụng loại sợi này, đặc biệt là các nước đang phát triển đã cho thấy tính khả thi để sử dụng amiang trắng an toàn.

Có 10 Bên không phải thành viên phát biểu về đề xuất đưa amiang trắng vào Phụ lục III. Trong đó, 7 Bên ủng hộ đưa amiang trắng vào Phụ lục III gồm: Mỹ, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Union Aid Abroad, Hội đồng Công đoàn Úc, Liên đoàn Xây dựng và Thợ mộc Quốc tế, ESDO, Solidar Suisse, Và IPEN. 3 Bên phản đối đưa amiang trắng vào Phụ lục III gồm: Liên minh các Công đoàn Thương mại Quốc tế ủng hộ amiăng trắng, Hiệp hội Amiang trắng Quốc tế, và Liên đoàn Người sử dụng lao động Kazakhstan.

Sau khi nghe ý kiến từ tất cả các bên, Chủ tịch Phiên họp toàn thể Công ước Rotterdam, bà Berejiani, đã quyết định tiếp tục dời đề xuất này sang Phiên họp COPs tiếp theo. Việc không thành lập Nhóm họp riêng cho thấy các Bên hiểu rằng không thể có được sự đồng thuận để đưa amiang trắng vào Phụ lục III. Thay vì cố gắng có được sự đồng thuận, các Bên ủng hộ đưa amiang trắng vào Phụ lục III đã chuyển hướng sang Đề xuất sửa đổi Điều 7, 10, 11 và 22 của Công ước và bổ sung Phụ lục VIII mới.

Đề xuất sửa đổi Điều 7, 10, 11 và 22 của Công ước và bổ sung Phụ lục VIII mới

Vào ngày 14/3, Đề xuất sửa đổi Điều 7, 10, 11 và 22 của Công ước và bổ sung Phụ lục VIII mới đã được khởi xướng bởi 14 Bên thành viên của Công ước Rotterdam gồm: Úc, Burkina Faso, Colombia, Costa Rica, Georgia, Ghana, Maldives, Nigeria, Na Uy, Peru, Nam Phi, Thụy Sĩ, Togo và Vương quốc Anh.

Theo nội dung của đề xuất này, các chất được đề xuất đưa vào Phụ lục III nếu không đạt được sự đồng thuận để đưa vào, sẽ được đưa vào Phụ lục VIII. Điều này đồng nghĩa với việc các chất nhiều năm nay chưa đạt được đồng thuận để đưa vào Phụ lục III như Fenthion, acetochlor, carbosulfan, amiăng trắng, và paraquat dichloride sẽ tự động được đưa vào Phụ lục VIII. Các Bên của Công ước đối với chất trong Phụ lục VIII sẽ không được xuất khẩu từ lãnh thổ của mình sang bất kỳ Bên nào, trừ những trường hợp ngoại lệ, nếu Bên nhập khẩu không gửi được phản hồi hoặc đã gửi được phản hồi vào thời điểm đó mà không chứa quyết định vào thời điểm đó.” Khi đó, các chất trong Phụ lục VIII sẽ rất khó để có thể được buôn bán hay sử dụng giữa các quốc gia thành viên của Công ước. Đây chính là một cách nhằm ép buộc các chất đang trong danh mục đề xuất của CRC phải bị đưa vào Phụ lục III.

Phiên họp 3 tháng 5 năm 2023

Ngay tại phiên họp đầu tiên của Công ước Rotterdam, Đề xuất bổ sung Phụ lục VIII đã đưa ra.

35 Bên thành viên ủng hộ Đề xuất gồm: Mexico, Columbia, Úc, Malawi, Peru, Chile, Maldives, Benin, Georgia, Mauritius, Dominican Republic, Eswatini, Trinidad & Tobago, Lesotho, Togo, Canada, New Zealand, Liên minh Châu Âu EU, Senegal, Na Uy, Montenegro, Vương quốc Anh, Nam Phi, Samoa, Đảo Cook, Quần đảo Marshall, Ghana, Nigeria, Bắc Macedonia, Burkina Faso, Panama, Gabon, Zambia, Guyana, Jordan. Với mục đích “Nâng cao tính hiệu quả của Công ước”, các Bên nói trên đều cho rằng danh mục một vài chất đã nhiều năm được đề xuất đưa vào Phụ lục III mà không đạt được sự đồng thuận cho thấy Công ước đã không hoạt động hiệu quả. Vì vậy Phụ lục VIII sẽ giúp Công ước vượt qua rào cản này.

15 Bên thành viên phản đối Đề xuất gồm: Indonesia, Cuba, Guatemala, Ấn Độ, Venezuela, Liên Bang Nga, Argentina, Indonesia, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Saudi Arabia, Kazakhstan, Ethiopia, Ecuador. Là quốc gia đầu tiên thể hiện sự phản đối việc thông qua Đề xuất, Brazil cho rằng cần có thêm thời gian để đánh giá và nghiên cứu trước khi đưa ra một quyết định quan trọng như thay đổi Công ước. Nhiều quốc gia ủng hộ ý kiến này của Brazil và cho rằng việc bổ sung Phụ lục VIII – hoạt động dựa trên nguyên tắc Số đông 3/4 – sẽ phá hủy hoàn toàn tính thống nhất của toàn Công ước, khiến ý kiến của nhiều bên bị bỏ qua. Các bên bày tỏ sự lo ngại về sự sụp đổ của Công ước nếu không còn sử dụng Nguyên tắc Đồng thuận.

Mỹ, là Bên không phải thành viên, cho rằng không thể nói “Công ước đang hoạt động không hiệu quả” do hiện đã có 56 chất được đưa vào Phụ lục III của Công ước Rotterdam.

Về phía các Bên, Tổ chức không phải thành viên, có 9 đại diện đã phát biểu.

Các Bên không phải thành viên ủng hộ Đề xuất gồm: Tổ chức Báo cáo viên Đặc biệt về Chất độc và Nhân quyền, Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Solidar Swiss, IPEN, IEE, và Trung tâm Vì Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển Môi trường

Các Bên không phải thành viên phản đối Đề xuất gồm: Liên minh các Nhà cung cấp nguyên liệu nông nghiệp Guatemala (GREMIAGRO), Liên minh các Công đoàn Thương mại Quốc tế ủng hộ amiăng trắng, và Hội đồng Hóa học Ấn Độ.

Kết thúc phiên họp, Chủ tịch Phiên họp Công ước Rotterdam, Bà Ana Berejiani, đã thành lập Nhóm họp riêng về Nâng cao tính hiệu quả của Công ước.

Phiên họp 10-12 tháng 5 năm 2023

Trong 3 ngày họp này của Công ước Rotterdam, nhiều Nhóm họp riêng đã được thành lập để bàn về Nâng cao tính hiệu quả của Công ước, cụ thể là Đề xuất sửa đổi Điều 7, 10, 11 và 22 của Công ước và bổ sung Phụ lục VIII. Tuy nhiên, đến buổi họp cuối cùng ngày 12/5, vẫn chưa có sự đồng thuận nào đạt được về Đề xuất này.

Như một nỗ lực cuối cùng của các bên đưa ra Đề xuất, tại buổi họp ngày 12/5, nhóm này đã vận động Chủ tịch Phiên họp Công ước Rotterdam để đưa Đề xuất ra bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể. Đã có 132 thành viên của Công ước tham gia bỏ phiếu kín, 92 thành viên ủng hộ Đề xuất (đạt xấp xỉ 70%). Theo nguyên tắc Bỏ phiếu số đông, phải có đủ 75% thành viên ủng hộ thì các đề xuất sửa đổi Công ước mới được thông qua. Vì vậy, Đề xuất sửa đổi Điều 7, 10, 11 và 22 của Công ước và bổ sung Phụ lục VIII đã không được thông qua.

iisd enb brscops2023 12may23 kiaraworth 105

Ngoài một số phát biểu của các bên ủng hộ Đề xuất cho thấy sự tiếc nuối khi Đề xuất không được thông qua, “tính hiệu quả của Công ước” không được nâng cao, thì nhiều Bên đã đưa ra nhận xét về sự bất thường của bản Đề xuất này như: Chưa có bất kỳ Đề xuất sửa đổi Công ước nào được đưa ra và bỏ phiếu ngay trong cùng 1 kỳ họp; và đã có cùng lúc 3 Nhóm họp riêng hoạt động song song chỉ để bàn về cùng một chủ đề.

Kết luận: Tại phiên họp COPs 11, duy nhất terbufos là chất được đưa vào Phụ lục III. 6 chất còn lại chưa đạt được sự đồng thuận để đưa vào Phụ lục III gồm: Fenthion, acetochlor, carbosulfan, amiăng trắng, paraquat dichloride, và iprodione. Mặc dù có nhiều tác động lên các thành viên cũng như Ban thư ký của Công ước nhằm ủng hộ Đề xuất sửa đổi Điều 7, 10, 11 và 22 của Công ước và bổ sung Phụ lục VIII, trong buổi bỏ phiếu cuối cùng Đề xuất này cũng đã không được thông qua.