Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010 theo đó:
- Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng cần có kế hoạch nghiên cứu và sử dụng vật liệu thay thế cho amiăng trong sản xuất tấm lợp.
- Kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng amiăng hiện có theo tiêu chuẩn môi trường và y tế, không tăng sản lượng và không đầu tư mới cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng amiăng.
- Từ năm 2004, không được sử dụng vật liệu amiăng trong sản xuất tấm lợp”
Quyết định 133/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của quyết định 115/2001/QĐ-TTG Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010, theo đó
- Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng cần có kế hoạch nghiên cứu, sản xuất và sử dụng đa dạng hoá các sản phẩm tấm lợp từ các loại cốt liệu sợi.
- Nghiêm cấm việc sử dụng amiăng amphibole (amiăng nâu và xanh) trong sản xuất tấm lợp.
- Các cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng amiăng phải bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường và y tế; không đầu tư mới, không mở rộng các cơ sở sản xuất tấm lợp có sử dụng cốt sợi amiăng chrysotile.
- Kiểm soát nghiêm ngặt việc nhập khẩu vật liệu amiăng để sản xuất tấm lợp và không cho phép nhập khẩu amiăng nhóm amphibole vào Việt Nam.
Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, theo đó:
- Nghiêm cấm việc sử dụng amiăng amphibole (amiăng nâu và xanh) trong sản xuất tấm lợp.
- Các cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng amiăng chrysotile phải không ngừng đầu tư chiều sâu, hoàn thiện công nghệ bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường và y tế”.
Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành VLXD Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó về lĩnh vực tấm lợp có quy định như:
- Nghiêm cấm sử dụng sợi amiăng amphibole (amiăng nâu và xanh) để sản xuất tấm lợp.
- Công nghệ sản xuất: Đến hết năm 2015 các dây chuyền sản xuất tấm lợp xi măng sợi phải đầu tư đồng bộ các thiết bị công nghệ với khả năng tự động hóa các khâu xé bao, nghiền, định lượng sợi;
- Chỉ tiêu môi trường: Tất cả các cơ sở sản xuất tấm lợp xi măng sợi phải có hệ thống xử lý nước thải, quản lý và tái sử dụng chất thải rắn, nước thải trong quá trình sản xuất, đảm bảo yêu cầu môi trường.
- Từ nay đến năm 2020: Không đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng các cơ sở có sử dụng amiăng chrysotile (amiăng trắng); thực hiện chuyển đổi dần việc sử dụng các loại sợi thay thế sợi amiăng chrysotile.
Quy định về phương tiện bảo vệ cá nhân
- Người sử dụng lao động phải thực hiện các quy định về phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định của Thông tư số 10/1998/TT-BLĐTBXH ngày 28/05/1998 về quy định loại phương tiện bảo vệ cá nhân và điều kiện được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; Quyết định số 68/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 29/12/2008 về việc ban hành danh mục trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại.
- Tất cả người lao động (NLĐ) đều được trang bị miễn phí quần áo BHLĐ, tối thiểu là 2 bộ/quý. Quần áo phải có kích thước phù hợp, thuận tiện cho thao tác, làm bằng vật liệu bền chắc nhưng thoáng mát. Quần áo BHLĐ phải thường xuyên giặt giũ và không được mang ra khỏi nhà máy. Quần áo BHLĐ nên giặt ngay tại nhà máy. Nếu phải mang ra ngoài giặt, quần áo BHLĐ phải được hút bụi hoặc làm ướt và cho vào túi nylon kín.
- Trang bị đầy đủ khẩu trang, mũ bảo hộ, găng tay cho NLĐ, đặc biệt NLĐ ở các công đoạn vận chuyển, thu gom chất thải rắn và vệ sinh, mở bao và nghiền liệu. Nếu nồng độ bụi tại khu vực làm việc cao hơn giới hạn cho phép, NLĐ phải được trang bị khẩu trang chuyên dụng hoặc bán mặt nạ. Các trang bị này cần phải được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ và không được mang ra ngoài nhà máy.
Quy định về giám sát sức khoẻ NLĐ
Chương trình giám sát sức khoẻ NLĐ cần phải được thực hiện theo những quy định trong Thông tư số 19/2011/TT-BYT ngày 6/6/2011 của Bộ Y tế về Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khoẻ NLĐ và BNN. NLĐ phải được khám tuyển, khám định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp (BNN) và khám khi thôi việc. Mọi NLĐ đều được định kỳ khám sức khoẻ 1 năm/lần. Đối với đối tượng làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì 6 tháng/ lần. Khám BNN có thể tiến hành đồng thời trong các kỳ khám sức khoẻ định kỳ hoặc tổ chức thành các đợt riêng biệt. Trong những trường hợp đặc biệt (ví dụ có những nghi ngờ mắc bệnh liên quan đến nghề nghiệp hoặc BNN), bác sỹ cần chỉ định số lần khám nhiều hơn. Riêng tần suất chụp phim X-quang phụ thuộc vào tuổi đời, tuổi nghề của công nhân và nồng độ bụi tiếp xúc.
Ngoài các nội dung khám tối thiểu theo quy định của Bộ Y tế, công nhân trực tiếp sản xuất phải được khám BNN với nội dung như sau:
- Khám bệnh bụi phổi-amiăng: bệnh ung thư phổi, bệnh ung thư trung biểu mô.
- Khám bệnh bụi phổi-silic: khám lâm sàng, đo chức năng hô hấp, chụp phim X-quang phổi.
- Khám viêm phế quản mãn: khám lâm sàng, đo chức năng hô hấp.
- Khám điếc nghề nghiệp: khám tai mũi họng, đo thính lực.
Quy định về giám sát môi trường lao động
Theo thông tư 19/2011-TT-BYT và Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 về ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động và 05 nguyên tắc, 07 thông số vệ sinh lao động.
- Phải kiểm tra đo lường các yếu tố độc hại ít nhất mỗi năm một lần.
- Ngoài các yếu tố về môi trường vi khí hậu chung phải đo bụi tại nơi làm việc của người lao động bao gồm:
- a) Nồng độ bụi toàn phần: ____mg/m3
- b) Nồng độ bụi hô hấp: ____mg/m3
- c) Số sợi amiăng: ____ sợi/ml
Quy định về thông tin, tuyên truyền, huấn luyện và tư vấn
Các doanh nghiệp thực hiện công tác thông tin, huấn luyện về AT-VSLĐ theo quy định của Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn công tác huấn luyện an toàn-vệ sinh lao động.
Nội dung thông tin, tập huấn phải được xây dựng riêng cho từng đối tượng: người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, NLĐ và đáp ứng yêu cầu của các cơ quan chức năng. Những vấn đề cơ bản sau cần được thông tin và huấn luyện:
- Luật pháp, các quy định và các tài liệu hướng dẫn hiện hành có liên quan.
- Nhãn mác và thông tin về nguyên liệu, vật liệu.
- Các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nguy hại.
- Các số liệu về MTLĐ tại khu vực làm việc có liên quan.
- Các ảnh hưởng cấp tính và mãn tính đến con người khi tiếp xúc với các yếu tố nguy hại, đặc biệt là tiếp xúc với bụi amiăng.
- Trách nhiệm cũng như nhu cầu hợp tác của các bên, v.v.
Quy định về Bảo hiểm xã hội
Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 năm 2006 quy định về chế độ hưởng bệnh nghề nghiệp như sau:
Điều 40. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện: Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại. Hiện này đã có 25 loại bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội trợ cấp đó là :
Nhóm I: Các bệnh bụi phổi và phế quản
- Bệnh bụi phổi – Silic nghề nghiệp.
- Bệnh bụi phổi Asbestos (Amiăng).
- Bệnh bụi phổi bông.
- Bệnh viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp.
- Bệnh hen phế quản nghề nghiệp.
Điều 42. Trợ cấp một lần
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
- Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung:
- Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Mtrợ cấp= Lmin x [5+(m-5)x0.5] + Lg[0.5+(t-1)x0.3]
Mtrợ cấp = | mức trợ cấp. |
Lmin = | lương tối thiểu chung. |
Lg = | tiền lương liền kề trước khi nghỉ |
m = | tỷ lệ suy giảm khả năng lao động (m ≥ 5). |
t = | số năm đóng BHXH (đủ 12 tháng). |
Điều 43. Trợ cấp hằng tháng
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
- Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung.
- Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
M trợ cấp = Lmin x [0.3+(m-31)x0.02] + Lg[0.005+(t-1)x0.003]
M trợ cấp = | mức trợ cấp. |
Lmin = | lương tối thiểu chung. |
Lg = | tiền lương liền kề trước khi nghỉ |
m = | tỷ lệ suy giảm khả năng lao động (m ≥ 31). |
t = | số năm đóng BHXH (đủ 12 tháng). |