Amiang trắng là gì? Đặc điểm, ứng dụng, cách sử dụng an toàn

Là sợi khoáng tự nhiên sở hữu nhiều đặc tính ưu việt, amiang trắng đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề dưới các biện pháp đảm bảo an toàn.

Amiang là gì? Những đặc tính của amiang và sự nguy hiểm của amiang nâu, xanh

Amiang là tên thương mại dùng chung cho các loại sợi khoáng trong tự nhiên, sở hữu những ưu điểm khó có thể thay thế như hấp thụ âm thanh tốt, khả năng chống cháy, cách nhiệt và cách điện hiệu quả.

Trên thực tế, amiang được chia thành hai nhóm chính gồm amphibole và serpentine. Với cấu tạo dạng thẳng, nhám, hình kim và chu kỳ bán tiêu hủy chậm, nhóm amiang amphibole (hay còn gọi là amiăng xanh và amiang nâu) khi vào phổi sẽ gây ra các khối u rồi phát tác thành ung thư và các bệnh về phổi sau 10 – 20 năm ủ bệnh. Chính vì vậy, nhóm amiang có hại này đã bị cấm sử dụng dưới mọi hình thức trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Trái lại, nhóm serpentine, còn được gọi là sợi chrysotile (hay sợi amiang trắng) thân thiện hơn với sức khỏe con người đã trở thành loại amiang duy nhất còn được sử dụng.

Amiang trắng là gì? Tại sao chỉ nên dùng sợi amiang trắng?

Amiang trắng (tiếng Anh là chrysotile, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, trong đó “chrysos” có nghĩa là vàng và “tilos” có nghĩa là sợi hay còn gọi là “sợi vàng”) là sợi khoáng có cấu tạo dạng xoắn và xốp mềm, bắt nguồn từ đá serpentine được phân bố rải rác trên khắp thế giới. Năm 1877, nhờ sự khai phá ra mỏ amiang trắng lớn nhất ở Canada, ngành công nghiệp khai khoáng amiang trắng đã thực sự phát triển trên diện rộng và quy mô lớn. Với những tính năng ưu việt vượt trội và không thể thay thế được bởi bất cứ loại sợi tự nhiên hay sợi nhân tạo nào như độ bền cơ học và tính đàn hồi cao, chịu ma sát tốt, chống cháy, chịu được môi trường kiềm, cách điện, khó phân huỷ, ngăn cản vi khuẩn và sự tán xạ…, amiăng trắng được coi là loại nguyên liệu xây dựng đầu vào hữu ích cho hơn 3.000 sản phẩm như fibrô xi măng (đặc biệt là tấm lợp amiang xi măng), các vật liệu cách điện, cách nhiệt, ngành ôtô, ngành hàng không, dược, dầu mỏ và hạt nhân, sản xuất vật liệu chống cháy, sản phẩm dệt may và một số ngành khác.

Theo các nghiên cứu khoa học, sau khi thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, sợi amiang trắng sẽ bị đào thải ra khỏi phổi từ 0,3 – 11 ngày hoặc bị phân huỷ bởi môi trường axit do các đại thực bào tạo ra. Hiện nay, amiang trắng đang được sử dụng một cách an toàn và có kiểm soát ở nhiều nước trên thế giới. Các nghiên cứu khoa học cũng khẳng định chưa tìm thấy bằng chứng bệnh tật do amiang trắng gây ra.

Amiang trắng trong tấm lợp mái   

Thực tế, amiang trắng được sử dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau nhưng tại Việt Nam, 90% sản lượng nhập khẩu phục vụ cho ngành sản xuất tấm lợp amiang xi măng hay còn gọi là tấm lợp fibro xi măng (theo Báo cáo của Bộ Xây dựng). Trong quy trình sản xuất tấm lợp amiang, sợi amiang trắng chỉ chiếm một phần rất nhỏ từ 8 – 10%, còn lại là xi măng với khoảng 90% tỷ lệ phối trộn. Sự gắn kết chặt chẽ giữ sợi amiang trắng và hạt xi măng trong suốt quá trình sản xuất giúp sợi khó có thể bị phân tán ra môi trường và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Kết quả nghiên cứu của Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng về: “Tình hình sản xuất, sử dụng tấm lợp xi măng amiăng và khả năng sinh bụi của tấm lợp” đã tái khẳng định: Trong tấm lợp amiang xi măng, các sợi amiang trắng liên kết rất chặt chẽ, rất sâu với đá xi măng thủy hóa. Đồng thời, các khoáng thủy hóa của xi măng cũng bao bọc và thâm nhập sâu vào sợi amiang trắng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nhiệt đới GS.TS. Bạch Đình Thiên cũng chỉ ra: “Amiang trắng có cấu trúc rất đặc biệt, khi phối trộn với xi măng sẽ không còn là sợi nguyên bản và với kết cấu dính đặc biệt, chúng rất khó phát tán sợi ra môi trường không khí để gây hại cho sức khỏe con người. Bằng chứng là tất cả các nước như Đức, Nga vẫn đang sử dụng ống dẫn nước sinh hoạt có chứa amiang trắng và không gây hại cho sức khỏe con người.”

Cách sử dụng an toàn amiang trắng trong sản xuất tấm lợp amiang

Từ cách đây hơn 50 năm, tấm lợp amiang xi măng – loại tấm sóng đơn giản với màu ghi xám đã quen thuộc với nhiều gia đình ở nông thôn và cả thành phố. Theo thống kê, để đáp ứng nhu cầu sử dụng lớn của bà con trong sinh hoạt và sản xuất, toàn ngành từng có hơn 40 nhà máy tấm lợp fibro xi măng được thành lập. Bằng việc áp dụng kỹ thuật “xeo ướt” thô sơ với tên gọi là công nghệ Hatschek (Hatschek Process) được phát minh bởi nước Áo, những nhà máy sản xuất thủa đó hầu như đều xé bao amiang, cân, bốc amiang cho vào bể phối trộn bằng tay.

Ngày nay, những dây chuyền tự động hóa khép kín đã giúp hạn chế tối đa các rủi ro gây nên bệnh bụi phổi amiang. Theo đó, khâu phối trộn nguyên liệu amiang được định lượng tự động hoàn toàn và nghiền trong phòng kín, rồi được bơm tự động sang bộ phận trộn xi măng. Dây chuyền hiện đại cho phép giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp của người lao động vì đã có hệ thống camera tự động được lắp đặt tại các khâu quan trọng trong quy trình sản xuất. Cán bộ công nhân viên có thể kiểm soát tình hình sản xuất mọi nơi, mọi lúc tại phòng điều khiển trung tâm.

Tam Lop Amiang Xi Mang

Amiang trắng được sử dụng an toàn và có kiểm soát trong sản xuất tấm lợp amiang.

Đối với vấn đề xử lý nước thải, công nghệ sản xuất khép kín cho phép hệ thống nước đầu vào và phát sinh trong quá trình sản xuất, nước thải công nghiệp… được tập kết tại các bể chứa với nồng độ pH đạt tiêu chuẩn cho phép sau khi được đi qua hệ thống lọc tự động hoá. Nước thải sẽ được đưa vào quá trình tái sử dụng khép kín với chu trình như cũ nhằm vừa giúp tận dụng nguyên liệu vừa đảm bảo xử lý môi trường nước tương đối hiện đại.

Quy định quản lý amiang trắng trong sản xuất tấm lợp

Hiện nay, để kiểm soát nồng độ bụi sợi trong không khí và đảm bảo môi trường lao động an toàn, mỗi quốc gia đều thiết lập các các quy định quản lý nghiêm ngặt amiang trắng. Tại Nga, nồng độ tối đa cho phép là là 2,0 sợi/ml. Mỹ quy định nồng độ tối đa cho phép là 0,1 sợi/ml trong một ca làm việc, Ấn Độ cho phép 1,0 sợi/ml. Các nước trong khối ASEAN cũng quy định lần lượt như sau: Thái Lan là 5,0 sợi/ml, Philippines là 2,0 sợi/ml; Indonesia là 1,0 sợi/ml.

Việt Nam quy định nồng độ bụi sợi amiang trắng trong không khí tại nơi làm việc là 0,1 sợi/ml không khí tính trung bình 8 giờ và không vượt quá 0,5 sợi/ml không khí tính trung bình 1 giờ (tương đương với chuẩn của Mỹ). Đây cũng là mức độ nghiêm ngặt hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Theo quy định của nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp amiang xi măng cũng phải tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân định kỳ hàng năm, cùng với đó là tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nước và không khí tại cơ sở sản xuất 03 tháng một lần.

Đáng chú ý, các cơ quan chức năng như cảnh sát môi trường, môi trường sức khỏe, thanh tra môi trường, quan trắc môi trường, y tế… cũng hàng năm định kỳ và đột xuất kiểm tra môi trường, y tế và sức khỏe của người lao động tại đơn vị.

Tấm lợp amiang trắng có độc không?  

Các nhà khoa học Thuỵ Sỹ, Đức và Mỹ trong những nghiên cứu đầu tiên về độ bền của các loại sợi khi xâm nhập vào cơ thể người đã chỉ rõ trong khi 14 ngày là thời gian đào thải của sợi amiăng trắng ở Canada thì sợi amiang nâu và xanh phải mất tới 466 ngày. Các sợi thay thế khác như sợi gốm cần 60 ngày, sợi aramid mất 90 ngày và sợi xen-lu-lô cần tới 1.000 ngày. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu khẳng định nguy cơ cao hơn mắc các rủi ro ung thư với nhân viên các nhà máy giấy, gỗ hơn công nhân làm việc tại nhà máy sử dụng amiang trắng.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới đã kết luận rằng không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc tăng nguy cơ bệnh ung thư liên quan đến tiêu hoá amiang trong nước uống cũng như không có bằng chứng về việc tiêu hoá amiang là độc hại với sức khoẻ con người, do đó, không cần phải thiết lập hướng dẫn về amiang trong nước uống.

Đề tài nghiên cứu cấp Bộ: “Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiang ở những người tiếp xúc” được thực hiện năm 2009 – 2011 do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tài trợ cho Cục quản lý Môi trường Y tế – Bộ Y tế kết luận: Trong số 447 trường hợp mắc các bệnh liên quan đến amiang như bệnh ung thư phổi, mảng dày màng phổi và ung thư trung biểu mô thì chỉ có 39 mẫu bệnh phẩm sau sàng lọc được gửi sang Bệnh viện Hiroshima, Nhật Bản để chẩn đoán. Các chuyên gia Nhật Bản cuối cùng đã xác định chỉ có 08 trường hợp thực bệnh, trong đó không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng tiếp xúc nghề nghiệp với amiang.

Trong 12 năm (2008-2019), Chương trình Khám bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động cho công nhân ngành sản xuất tấm lợp amiăng xi măng được Bệnh viện Xây dựng – Bộ Xây dựng triển khai với sự tổ chức khoa học, bài bản, định kỳ hàng năm khẳng định: Không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiang trắng.

Tam Lop Amiang Xi Mang

GS. Hoàng Đức Kiệt – Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội trong buổi hội chẩn đọc phim cho công nhân ngành tấm lợp amiang.

Năm 2010 – 2014, Bệnh viện Xây dựng – Bộ Xây dựng đã tiến hành điều tra về tình hình tử vong tại xã Tân Trịnh và các xã thuộc huyện Quang Bình – Tỉnh Hà Giang với tổng số 1.046 hộ, và 4.565 nhân khẩu. Tỷ lệ mái nhà lợp tấm amiang xi măng tại xã Tân Trịnh và huyện Quang Bình chiếm khoảng 70%. Kết quả điều tra cho thấy trong các xã thuộc huyện Quang Bình, xã Tân Trịnh có tỷ suất tử vong thấp hơn so với toàn huyện. Đặc điểm và tỷ suất tử vong do ung thư ở xã Tân Trịnh không phải cao nhất mà đứng hàng thứ 5 trong 13 xã thuộc huyện Quang Bình (0.858‰) nhưng vẫn trong giới hạn bình thường và chiếm tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ chung toàn huyện. Phân tích mẫu không khí trong nhà người dân lợp mái bằng tấm lợp amiang xi măng không tìm thấy sợi amiang.